Quản lý việc sử dụng quyền lực

Được tin vụ việc nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị phơi bày ra ánh sáng, vừa thấy mừng, lại vừa thấy đau. Nỗi đau này không chỉ vì việc hàng triệu USD của công biến thành của tư, cũng không phải chỉ vì bộ máy Nhà nước mất đi một nhà chức trách tài ba và mẫn cán, mà là ở chỗ chúng ta phải trông chờ vào tài liệu điều tra từ nước ngoài, của một bộ máy hành pháp xa lắc xa lơ về cả khoảng cách và mức độ trách nhiệm. Dường như có một điều gì rất quan trọng đang nằm ngoài vòng kiểm soát.

Chống tham nhũng luôn luôn là thách thức của bất cứ chính thể của một quốc gia nào. Quyền lực nhà nước luôn luôn có một sức hấp dẫn mạnh mẽ với những kẻ cơ hội. Ta thử trở lại vụ Huỳnh Ngọc Sĩ xem quyền lực ấy bị chi phối như thế nào?

Là giám đốc BQLDA đại lộ Đông Tây (Tp.HCM), tuy không nắm toàn quyền sinh sát bởi những quy định khá chặt chẽ của Nhà nước về quản lý dự án, nhưng ông ta có quyền nắm được toàn bộ thông tin về dự án. Và ông ta đã bán thông tin về bản tiêu chuẩn đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu. Vẫn chưa đủ, vì thông tin này không chỉ mình ông có, nên ông ta phải đồng thời bán luôn cả quyền quyết định trúng thầu của mình thì mới hy vọng có được 900 nghìn USD bỏ vào túi riêng.

Đấy là về gói thầu tư vấn thiết kế. Còn về gói thầu tư vấn giám sát thì sao? Theo quy định của Chính phủ thì gói thầu này cũng phải đấu thầu quốc tế. Nhưng nếu lại tổ chức đấu thầu mà vẫn cùng một nơi thắng thầu thì rất dễ “lạy ông tôi ở bụi này” nên quả bóng trách nhiệm đã được Huỳnh Ngọc Sĩ đá hất lên trên để những mong được ăn 1,7 triệu USD. Với tư cách là giám đốc BQLDA, ông ta đã ký đề nghị UBND Tp xem xét trình Chính phủ duyệt kế hoach đấu thầu giai đoạn 1, trong đó có nội dung đề nghị cho gói thầu này được chỉ định thầu. Không biết thông tin trong công văn này bị bóp méo đến đâu, nêu những ý kiến “long trời lở đất” gì mà có thể thay đổi cả một quyết định từ cấp Chính phủ.

Chỉ sơ qua hai vụ việc để có thể thấy rằng việc quản lý sử dụng quyền lực nhà nước chặt hay lỏng sẽ chính là cánh cửa rộng hay hẹp cho nạn tham nhũng phát triển. Vụ việc nhận hối lộ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã âm ỉ một thời gian dài nhưng không thể xử lý được vì thiếu chứng cứ, và cũng có thể vì những lý do nào đó. Việc quản lý sử dụng quyền lực đang bị buông lỏng. Câu trả lời sẽ được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Cái khó là ở chỗ tìm ra những sơ hở trong việc quản lý sử dụng quyền lực của các cấp qua vụ việc này như thế nào?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *