Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (sau đây gọi tắt là Quyết định 167) nhằm mục tiêu: cùng với việc thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Nhà nước trực tiếp hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Từ 2009-2012 thực hiện hỗ trợ nhà ở cho khoảng 500 nghìn hộ nghèo có khó khăn về nhà ở đang cư trú tại khu vực nông thôn. Sau khi Quyết định 167 ban hành, các tỉnh, thành đã khẩn trương tiến hành bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định. trong số 63 tỉnh, thành trên cả nước, có 60 tỉnh thành có đối tượng được hỗ trợ nhà ở (3 địa phương không có đối tượng là Đà Nẵng, Tp.HCM và Bình Dương), trong đó 59 tỉnh, thành đã lập và phê duyệt Đề án theo quy định. Riêng Hà Nội tự thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn nghèo của Tp. Kết quả thực hiện trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8/2010, Bộ Xây dựng cho biết, kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo năm 2009 là 126.411 hộ; đã thực hiện 126.876 hộ đạt 100,4% so với kế hoạch năm 2009. Kế hoạch năm 2010 là 197.308 hộ, tính đến tháng 7/2010 đã có 82.071 hộ được hỗ trợ nhà ở, đạt 42% kế hoạch năm. Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chính sách đến tháng 7/2010 các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 208.947/496.025 hộ, đạt 42% so với tổng số hộ đã phê duyệt. trong đó: Hoàn thành hỗ trợ cho số hộ tại 62 huyện nghèo 65.319/77.311 hộ, đạt 84%; hoàn thành hỗ trợ cho số hộ là đồng bào dân tộc Khơ me tại các tỉnh Tây Nam bộ là 22.100/23.784 hộ, đạt 93%. Để thưc hiện, các địa phương đã được trung ương bố trí vốn ngân sách 2.554,376 tỷ đồng. Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến tháng 7/2010 đã giải ngân 1.270 tỷ đồng. Các tỉnh thành đã bố trí vốn từ ngân sách địa phương để hỗ trợ khoảng 400 tỷ đồng. Các TCty, tập đoàn kinh tế trong 2 năm qua đã hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng để các hộ nghèo thuộc 62 huyện nghèo làm nhà ở. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân của các địa phương đã tích cực ủng hộ về vật chất hoặc ngày công lao động, giúp các hộ nghèo xây dựng nhà ở. Chất lượng nhà ở trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, ngoài vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay theo quy định thì các địa phương đã hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương. Nhiều TCty, tập đoàn kinh tế, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở bằng tiền hoặc VLXD. Ngoài ra, còn có sự ủng hộ về ngày công của bà con, dòng họ và sự tham gia đóng góp của chính hộ gia đình. Vì vậy, hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định. Diện tích căn nhà đa số từ 28 – 40m2. Nhiều nhà có diện tích rộng 50 – 60m2. Các căn nhà được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt: khung nhà bàng bê tông cốt thép hoặc bằng gỗ, tường nhà xây gạch; mái lợp ngói, fibrô xi măng hoặc tôn; nền nhà lát gạch hoặc láng vữa xi măng. Tất cả các căn nhà đều có bao che kín đáo, chắc chắn, đầy đủ cửa đi, cửa sổ. Mẫu nhà, kiến trúc nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Giá thành căn nhà đa số trong khoảng từ 20 – 25 triệu đồng. Một số căn nhà có giá thành tới 50-60 triệu đồng. Các địa phương đã làm tốt công tác hướng dẫn các gia đình tự xây dựng nhà ở. Tại cấp xã, các đoàn thể đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện tốt công tác hướng dẫn cũng như giám sát việc xây dựng nhà ở để các căn nhà sau khi xây dựng xong phải đảm bảo hoặc vượt quy định về chất lượng và diện tích, đồng thời giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát tiêu cực. Nhờ có nhà ở an toàn, ổn định nên các hộ nghèo đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Nhìn chung, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 đã có hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội. Vẫn còn những khoảng trống Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Nhiều địa phương, do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn có nhiều sai sót so với thực tế, gây khó khăn cho việc tổng hợp số lượng, lập kế hoạch thực hiện và xác định tổng mức đầu tư. Một số địa phương chưa hướng dẫn các hộ nghèo tự xây dựng nhà ở mà còn thuê DN thực hiện nên không huy động được sự đóng góp của người dân cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con, anh em, dòng họ. Ngoài ra, do xây dựng đại trà nên mẫu mã, kiểu dáng nhà ở đơn điệu, không phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương cũng như không phù hợp với lối sống, sinh hoạt của hộ gia đình. Một số địa phương chưa quan tâm giải quyết đất ở cho những hộ chưa có đất ở nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Một số địa phương do địa bàn rộng, số hộ nghèo nhiều, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa hoặc sinh sống du canh du cư, đồng thời do thời gian thực hiện gấp, trình độ cán bộ cơ sở còn có hạn chế nên việc bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng còn có tình trạng nhầm lẫn hoặc bỏ sót đối tượng. Một số hộ nghèo, đang cư trú tại các thôn, bản thuộc phường, thị trấn hoặc các xã thuộc thị xã, thành phố sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp đang có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ nhà ở để đảm bảo cuộc sống an tòan, ổn định; tuy nhiên đến nay chưa có quy định hỗ trợ cho số đối tượng này. Ngoài ra còn một số khó khăn khác như nhiều hộ chưa có đất ở hoặc do ảnh hưởng bởi một số phong tục, tập quán của địa phương làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở.
|