Cả nước hiện đã có 37 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được khởi công.
trong số này, 1.653 căn hộ đã hoàn thành phần xây thô, gồm: 815 căn ở Hà Nội, 112 căn ở Tp Hồ Chí Minh và 726 căn ở Đà Nẵng. Đã có 400 căn nhà dạng này được bán cho các hộ dân nhưng các địa phương vẫn đang lúng túng trong cách ghi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi cấp cho các đối tượng được mua nhà ở thu nhập thấp đã trả hết tiền cho chủ đầu tư.
Theo Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 36 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp thì giao dịch nhà ở thu nhập thấp có những đặc thù riêng. Người mua hoặc thuê mua nhà ở thu nhập thấp được phép bán hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua hoặc thuê mua.
Nếu chưa đủ thời hạn 10 năm, bên mua hoặc thuê mua nhà ở thu nhập thấp có nhu cầu chuyển nhượng, thì chỉ được chuyển nhượng cho Nhà nước hoặc cho chủ đầu tư dự án hoặc cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp theo quy định của địa phương. Giá chuyển nhượng nhà ở này không cao hơn mức giá nhà ở thu nhập thấp cùng loại tại thời điểm chuyển nhượng.
Để thuận lợi cho các địa phương thực hiện đúng quy định, hiện Bộ Xây dựng đang dự kiến sẽ đưa thêm vào Mục 6, phần II của Giấy chứng nhận (trang 2) trong mục “Ghi chú” nội dung: “Loại nhà ở thu nhập thấp, việc giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở”. Cũng theo phản ánh của các địa phương, ngoài nhà ở thu nhập thấp, các loại hình nhà ở xã hội do các địa phương trực tiếp làm chủ đầu tư cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề thủ tục và cấp các giấy chứng nhận liên quan do cơ chế đặc thù của những loại nhà này.
DiaOcOnline.vn – Theo Gia Đình