Địa bàn nông thôn hiện có rất nhiều vấn đề môi trường bức xúc ở cả 5 vùng sinh thái, có những vấn đề mang tính đặc thù của từng vùng. Đó là các nguy cơ suy thoái tài nguyên rừng, đất, chất thải rắn ở nông thôn, cấp nước và vệ sinh nông thôn, tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lũ lụt và phòng tránh thiên tai. Đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC.08.06, do GS.TS Lê Văn Khoa (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện đã đề xuất giải pháp kiểm soát thích hợp môi trường bức xúc ở nông thôn.
Nhóm nghiên cứu cho rằng: Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế, thể chế đồng bộ để đưa vào cuộc sống nhằm quản lý và phát triển tài nguyên phục vụ phát triển bền vững nông thôn. Các chính sách và giải pháp kiểm soát tài nguyên – môi trường ở nước ta cần tập trung vào 3 nội dung như chính sách về phát triển tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; chính sách để kiểm soát ô nhiễm và quản lý môi trường nông thôn; những vấn đề liên quan đến nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và các chính sách tác động lên các nguyên nhân đó nhằm khắc phục suy thoái môi trường. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quy hoạch sử dụng các loài tài nguyên – môi trường phải đi trước một bước với những kế hoạch thực hiện cụ thể và khả thi. Đặc biệt hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo ở các vùng sinh thái môi trường nông thôn, trung du là cơ sở vững chắc để sử dụng bền vững các loại tài nguyên và bảo vệ môi trường nông thôn. Các Trung tâm nghiên cứu cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất và kiểm soát môi trường nông thôn.
Đặc biệt, hệ thống nhà trường cần đưa kiến thức bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân, thực thi có hiệu quả chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đi đôi với công tác truyền thông môi trường, nâng cao dân trí tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách giải pháp khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào công tác quản lý tài nguyên và môi trường. |