Trang chủ » Lập làng nơi địa đầu Tổ quốc

Lập làng nơi địa đầu Tổ quốc

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments











Lập làng nơi địa đầu Tổ quốc
Bản mới ở nơi địa đầu Tổ quốc –ảnh: K.T.L
Trên núi cao biên giới có 108 thành viên của một tộc người chưa từng biết đến con chữ; bản làng ấy chưa một lần cử hành Quốc ca. Cho đến khi xuất hiện những người lính biên phòng…


Vào bản xa


Từ thị xã Lai Châu, chúng tôi đi mất 10 tiếng đồng hồ trên con đường núi cheo leo một bên là vực sâu hun hút, vào xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (cách Hà Nội chừng 800 km). Từ đây, đường ô tô đã hết, chúng tôi hành quân gần 8 tiếng đi bộ để vào bản Hà Xi – Hà Nê, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Hết lội suối băng rừng, lại vượt núi khiến chúng tôi như bò lê trên đất trong khi hàng trăm chiến sĩ bộ đội biên phòng khoác ba lô, xoong nồi, quân trang nặng gần bốn chục ký vừa đi vừa hát vang núi rừng.


Trong cái giá buốt của mùa đông, sau cuộc hành quân gần 1 ngày đường, từng lớp áo khoác lần lượt được cởi ra. Cho đến khi vượt qua dòng suối, anh em lao cả xuống tắm ì oạp như mùa hè, người bốc hơi nghi ngút. Đại tá Trần Hữu Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu đã gần 50 tuổi vẫn đeo ba lô, phăm phăm leo dốc. Dấu chân ông đã quen cung đường này lắm. Ông bảo: “Những ngày đầu anh em phải phát cây, luồn rừng mà đi. Sau khi chúng tôi phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai chiến dịch, anh em mới chặt cây, bắc thang vượt dốc đá để có đường vào bản như thế này”.


Từ đỉnh dốc cao nhìn xuống, bản Hà Xi – Hà Nê nằm bên sườn thung lũng khá bằng phẳng, dòng suối Hà Xi – Hà Nê uốn lượn bao quanh 3 mặt bản này như ôm một nàng thiếu nữ ngủ quên giữa núi rừng Tây Bắc. Cành đào rừng đẹp rực rỡ soi mình bên bờ suối làm chúng tôi tan đi bao mệt nhọc của dốc núi, bao vết ruồi vàng cắn rỉ máu như bớt đi cái nhức nhối khó chịu.


Bên bếp lửa, ông Vàng A Xê, trưởng bản Hà Xi – Hà Nê kể, qua phiên dịch: “Trước đây bản này không phải là bản, chỉ có vài túp lều. Người La Hủ chúng tôi ở đây làm lều bằng cành cây tươi, sau khi lá cây héo vàng thì lợp thêm lớp nữa, sau 2 lần lợp thêm lá, cái suối hết cá, đất hết củ mài thì cả đoàn người lại đi tìm chỗ đất mới. Người ta thường gọi người La Hủ là người Lá vàng là vì vậy”. Sự tồn tại của bản này dường như chỉ có bộ đội biên phòng là biết rõ nhất, chỉ có các anh qua lại thăm bản, còn cả năm hầu như không có bóng người lạ.


Người dân ở đây sống tự cấp tự túc là chính, hầu như không biết đến tiền, không biết đến chợ, vì muốn ra đến chợ gần nhất phải đi mất 8 tiếng đồng hồ qua quãng đường gần 30 km đường núi. Có những nhà không có áo ấm, phải lấy lá cây làm ổ. Cảnh trẻ em cởi trần giữa mùa đông không phải là chuyện quá hiếm.


Thượng tá Phạm Duy Nhất, Trưởng ban vận động quần chúng, Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu kể: “Đoàn khảo sát đầu tiên của chúng tôi gồm 5 anh em là thượng úy Lù Thêu, thượng tá Nguyễn Văn Ty, chiến sĩ Lù A Hừ, một đồng chí là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Pa Ủ và tôi. Chúng tôi cứ đi dọc suối, phát cây mở đường mà đi. 18 giờ ngày 19.11.2008, chúng tôi vào đến bản”.


Được sự nhất trí của UBND tỉnh Lai Châu, Ủy ban MTTQ tỉnh, bộ đội biên phòng, ngày 26.11.2008, 90 cán bộ chiến sĩ từ các đồn, tiểu đoàn huấn luyện, tiểu đoàn cơ động của lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã hành quân vào bản bắt đầu chiến dịch 50 ngày đêm hành quân về biên giới.


Bản làng heo hút chưa bao giờ đông người đến thế, những ánh mắt sợ sệt, e ngại trước đây đã dần quen với không khí làm việc hăng say của gần trăm chiến sĩ. Họ gọi bộ đội là cán bộ. Lực lượng bộ đội chia làm các tổ, tổ chặt cây, tổ san nền, tổ dựng nhà để làm 17 ngôi nhà cho bà con. Muốn có gỗ tốt, bộ đội phải đi cách làng 7-8 cây số, kéo gỗ ngược dốc chuyển về, tôn phải cuộn tròn 4-5 tấm cho bộ đội vượt dốc vác vào bản.


Phải mất hàng tuần, các cán bộ biên phòng mới vận động được người dân cùng tham gia chặt cây, san nền, làm nhà cho chính họ. Rồi một gia đình người La Hủ ở trên núi thấy bộ đội làm nhà đẹp quá, họ cũng xuống xin được giúp dựng nhà, vậy là bản đã có thêm 1 gia đình, thành 18 hộ.


Tôn xanh thay mái lá vàng


16 giờ ngày 23.12, trong lễ bàn giao nhà cho bà con đồng bào La Hủ, lần đầu tiên Quốc ca vang lên trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Hàng trăm người lặng đi, nghẹn ngào. Tiếng quân nhạc vang lên giữa núi rừng cách biên giới 1 giờ đi bộ. Hơn 100 người dân bản dù chưa hiểu lời bài hát cũng đứng nghiêm nhìn lên lá Quốc kỳ. Họ hiểu rằng cuộc đời họ giờ đây đã khác. “Đoàn quân Việt Nam đi…” – đoàn quân của bộ đội biên phòng đã về bản, đã lập làng và bản làng “lá vàng rơi” nay đã phủ bằng màu xanh của mái tôn không bao giờ héo úa.


Lập làng nơi địa đầu Tổ quốc
Đã lâu lắm người dân mới biết đến cơm và thịt –ảnh: K.T.L


Anh Vàng Hu Chờ sờ sờ tay vào tấm tôn mới gõ kêu boong boong, anh bảo (qua phiên dịch): “Cán bộ làm cho cái nhà ấm lắm, tối tao ngủ được rồi. Nhà cũ như thế kia kìa, rét lắm”. Anh chỉ ra cái nhà cũ trước mắt chúng tôi, đó là túp lều trống huơ trống hoác. “Trước đây, ở cái nhà đó gió lạnh lắm, tối không ngủ được, phải ngồi sưởi lửa. Giờ cán bộ cho nhà ấm, lại cho chăn cho áo nên ngủ ngon lắm, cảm ơn cán bộ lắm”, anh Chờ cười rạng rỡ.


Không chỉ cho nhà mái tôn, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, đại diện là ông Vương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh, còn mang cả chăn bông, quần áo, phích nước, bánh kẹo tặng bà con dân bản. Nhân dịp năm mới, bộ đội mang thịt, gạo, một cây rau bắp cải đến từng nhà “mừng tuổi”. Bà Ly Na Dồ cầm xâu thịt luộc rưng rưng: “Đã lâu lắm rồi cái bụng mới biết đến miếng thịt, cái miệng mới được ăn cơm”.


Một tương lai tươi sáng cho đồng bào La Hủ đang ở phía trước khi mùa xuân đang về. Đêm hội xòe tưng bừng trong ánh lửa, cô dân công người Thái với áo cón trắng múa xòe rực rỡ, bộ đội với dân tay trong tay xoay vòng bên ánh lửa. Những đứa trẻ La Hủ từ sợ sệt đến háo hức, những bà mẹ La Hủ địu con cũng nhảy múa tưng bừng hòa chung niềm vui năm mới.







Theo đại tá Trần Hữu Phúc, sau khi làm nhà cho bà con, bộ đội sẽ cắm một tổ công tác tại bản để khám chữa bệnh cho bà con, hướng dẫn bà con canh tác, giữ vệ sinh. Hai thầy giáo từ ngoài xã đã được đưa vào bản và mở lớp mầm non, lớp 1 cho trẻ em.

Có thể bạn cũng thích

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.