Hà Nội: Người dân bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề bằng thẻ học nghề





Chiều 8/1, ông Khuất Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thành phố đã triển khai đến 29 quận, huyện và thành phố trực thuộc về việc thực hiện hỗ trợ các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Theo đó, việc hỗ trợ được thực hiện theo 4 loại hình là học văn hóa, học nghề, bảo hiểm y tế và trợ cấp khó khăn; nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với nguồn kinh phí ban đầu do ngân sách thành phố cấp là 50 tỷ đồng.

Điểm khác biệt cơ bản trong việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân diện thu hồi đất lần này là thành phố thực hiện hỗ trợ đào tạo thông qua thẻ học nghề thay cho việc chi trả tiền trực tiếp cho người được hỗ trợ. Những người đủ điều kiện sẽ được cấp Thẻ học nghề có giá trị sử dụng trong cả nước với mức tối đa 6 triệu đồng/thẻ và được chi trả 1 lần vào cuối khóa học nghề hoặc thanh toán 1 lần cho doanh nghiệp (có đủ điều kiện). Thẻ học nghề có giá trị sử dụng trong 5 năm (kể từ ngày cấp). Do đó, chỉ những người thực sự theo học ở các cơ sở dạy nghề được nhà nước cho phép mới được hỗ trợ chi phí học nghề, điều này tránh được tình trạng đối tượng nhận kinh phí đào tạo nghề nhưng sau đó lại không đi học. Đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề là những người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm đang theo học một trong các trường: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề tại các cơ sở dạy nghề hợp pháp theo quy định của pháp luật; hoặc người có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề nếu còn khả năng và nằm trong độ tuổi lao động, với nam từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi; nữ từ 15 đến 55 tuổi.

Theo quy định của UBND thành phố, đối tượng được hỗ trợ học văn hóa là học sinh thuộc gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được nhà nước giao, tuổi dưới 25, đang theo học các cấp trường học phổ thông (tiểu học, THCS, THPT) tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập; theo học chương trình giáo dục thường xuyên để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn. Những đối tượng này được hỗ trợ học phí theo quy định mức đóng học phí của UBND TP cho từng cấp học phổ thông ở các trường công lập và giáo dục thường xuyên; tiền đóng góp cơ sở vật chất ở các trường công lập và giáo dục thường xuyên theo từng thời kỳ. Thời gian hỗ trợ không quá 3 năm, riêng đối với hộ nghèo không quá 5 năm.

Về bảo hiểm y tế và trợ cấp khó khăn, đối với nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi trở lên, chưa có thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế với mệnh giá thẻ bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành do Nhà nước quy định, niên hạn sử dụng 2 năm. Người đủ 60 tuổi trở lên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô đơn sẽ được trợ cấp với mức trợ cấp tương tự đối với người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian hỗ trợ 5 năm, kể từ lần đầu tiên nhận trợ cấp…

Những người được hỗ trợ trên đều phải có có hộ khẩu thường trú tại TP Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *