Khai mạc phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII





Sáng 15/1, phiên họp thứ phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, tại phiên họp lần này, UBTVQH sẽ tập trung vào các nội dung chính: xem xét, thông qua Nghị quyết về danh sách các huyện, quận, phường của một số tỉnh trực thuộc TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và Nghị quyết về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; tiếp tục cho ý kiến vào 2 dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp QH thứ 5 là Luật Điện ảnh và Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cũng sẽ xem xét, cho ý kiến vào việc nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân.


Trong phiên làm việc ngay sau khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu tập trung xem xét, thông qua Nghị quyết về danh sách các huyện, quận, phường của một số tỉnh trực thuộc TƯ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và Nghị quyết về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND quận, huyện, phường nơi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.


Tờ theo trình của Chính phủ, dự kiến sẽ có 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ sẽ được chọn để tiến hành thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên toàn địa bàn bao gồm : Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hò Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang với tổng cộng 67 huyện, 32 quận và 483 phường. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp trước, Chính phủ đã có giải trình cụ thể về các căn cứ của việc lựa chọn số lượng cũng như phạm vi địa bàn sẽ tiến hành thí điểm. Theo đó số lượng các địa phương thực hiện thí điểm đảm bảo thích hợp để có cơ sở khoa học đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm; mang tính đại diện cho các vùng, miền trong cả nước, đảm bảo có cả đô thị và nông thôn, có tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi, có tỉnh vùng biên giới; có địa phương có kết quả thực hiện KT-XH và cải cách hành chính tốt, có nơi còn khó khăn và thực hiện nhiệm vụ ở mức bình thường.


Nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất, được các đại biểu tranh luận sôi nổi là việc xác định xem quận, huyện, phường là một cấp ngân sách hay là đơn vị dự toán ngân sách. Hầu hết các ý kiến đều tán thành với việc đây là một cấp ngân sách. Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn nhất trí với đề nghị của Chính phủ, mặc dù ở quận, huyện, phường không còn HĐND nhưng chức năng quản lý hành chính nhà nước ở địa phương không thay đổi, UBND quận, huyện, phường vẫn là một cấp quyết dịnh về KT-XH ở địa phương. Do vậy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cần được xác định là một cấp ngân sách nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong việc tăng thu, chi ngân sách, đảm bảo thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước. Cùng chung quan điểm trên, Chủ nhiện UB Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển bổ sung ý kiến nên xem quận, huyện, phường là một cấp ngân sách nhưng không đầy đủ vì không có đủ các quyền như đối với nơi có HĐND; UBND huyện là cấp xây dựng dự toán ngân sách, UBND tỉnh cấp trên phê duyệt dự toán đó. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh việc coi đây là một cấp ngân sách là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, cả về pháp luật và tài chính. Một nội dung cũng được các đại biểu quan tâm là HDND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện giám sát hoạt động của UBND các cấp, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận huyện như thế nào. Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba băn khoăn có nên dùng chữ thông qua giám sát hoạt động của UBND, TAND, Viện KSND không và đề nghị chỉ là giám sát hoạt động đòng thời cần có hướng dẫn cụ thể. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tán thành quan điểm của Ủy ban Pháp luật, nên để là thực hiện giám sát thông qua hoạt động của UBND, TAND, Viện KSND.


Vấn đề mới được đề cập tại phiên họp là việc đưa các phường thuộc thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh vào diện thí điểm có trái với các Nghị quyết trước đó không. Sau khi nghe các ý kiến tranh luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận, tuy còn nhiều tranh cãi song quan trọng nhất là thống nhất về mục đích của việc thực hiện thí điểm nhằm xây dựng hệ thống chính trị thông thoáng, gọn nhẹ, thực sự có hiệu lực. Cơ bản nhất trí với việc chọn làm thí điểm về phạm vi, số lượng, tiêu biểu cho các vùng miền, Chủ tịch QH đánh giá việc làm trọn gói ở mỗi địa phương sẽ tạo điều kiện cho việc triển khai, dễ thực hiện. Về cấp ngân sách, đã có nơi lập dự toán thì phải có cơ quan phê chuẩn, quyết định, phê duyệt. Chủ tịch QH nêu ý kiến nên quyết định theo hướng phê chuẩn, có thể giao cho Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn nhưng phải có quy định về thời gian để vừa theo quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn lại không bó tay cấp dưới. Về vấn đề các phường thuộc thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có thực hiện thí điểm, Chủ tịch QH cho rằng nên dừng lại để tiếp tục xem xét; các cơ quan liên quan cùng trao đổi, rà soát lại các quy định cho chắc chắn để trình lại UBTVQH. Như vậy, các Nghị quyết liên quan đến việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường sẽ được UBTVQH xem xét thông qua vào chiều ngày 16/1./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *