Bộ Xây dựng: Xây dựng mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể năm 2009








Năm 2008 – một năm nhìn lại:



Năm 2008 ngành Xây dựng đã đạt được một số kết quả quan trọng trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ đã tập trung công tác xây dựng pháp luật, triển khai thực hiện các đề án được thông qua với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là xây dựng đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng theo hướng phủ kín các lĩnh vực hoạt động, phân cấp mạnh, rõ quyền, rõ trách nhiệm, thủ tục đơn giản, thông thoáng tạo điều kiện phát huy nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động xây dựng theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Với hơn 80% số văn bản được ban hành, nhiều văn bản giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Chính phủ có những quyết định kịp thời điều hành kinh tế đất nước được đánh giá là bước tiến rõ nét của ngành về công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trên các lĩnh vực quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển nhà và thị trường Bất động sản, quản lý xây dựng, công tác quản lý và phát triển VLXD… từng bước được nâng cao. Có thể kể đến những dấu ấn của ngành Xây dựng tạo đà cho sự phát triển xã hội đó là: Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội; xử lý chất thải rắn từ các đề tài nghiên cứu trong nước bằng công nghệ SERAPHIN, ANSINH – ASC, MBT – CD; thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thí điểm đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội theo quy định tại 3 địa phương: Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương; thực hiện tốt các giải pháp bình ổn thị trường xi măng; hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập 3 tập đoàn kinh tế: Công nghiệp – Xây dựng Sông Đà, Công nghiệp nặng Việt Nam, Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam…

Bộ Xây dựng: Xây dựng mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể năm 2009



Mặc dù đã thực hiện việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tiến độ các công trình bị chậm, khả năng huy động vốn cho các dự án bị ảnh hưởng do khan hiếm tiền mặt và các ngân hàng kiểm soát chặt việc cho vay để đầu tư, việc tăng lãi xuất cho vay và chi phí đầu vào tăng vọt đã làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư của các đơn vị nhưng tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục được duy trì cao hơn năm 2007 và cao hơn mức tăng trưởng bình quân ngành Công nghiệp và Xây dựng chung của cả nước (14,6%). So với năm 2007 giá trị thực hiện đầu tư năm 2008 là 31.190,6 tỷ đồng, đạt 90,75% kế hoạch, tăng 28,84% ; tổng giá trị SXKD đạt 105.607 tỷ đồng, bằng 105%  kế hoạch năm, tăng 20%, trong đó tổng doanh thu thực hiện 88.804,3 tỷ đồng, bằng 124,6%; tổng lợi nhuận trước thuế thực hiện 4.268,1 tỷ đồng, bằng 129,9%; tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt 4,81% (năm 2007 đạt 4,61%). Nhìn chung hầu hết các DN thuộc Bộ đều đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, một số đơn vị đạt mức tăng trưởng cao như TCty Sông Đà (21%), TCty Cơ khí xây dựng (31,4%), TCty HUD (27,3%), TCty Xây dựng số 1 (28,2%), TCty LICOGI (28,8%), TCty DIC (27,9%)… Đặc biệt có 3 đơn vị đạt giá trị sản lượng cao trên 14 nghìn tỷ đồng (TCty Sông Đà, TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, TCty LILAMA), trong đó TCty Sông Đà lần đầu tiên đạt giá trị sản lượng 18 nghìn tỷ đồng (tương ứng với trên 1 tỷ USD).



Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động SXKD của các DN thuộc Bộ vẫn bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự biến động của kinh tế trong nước cũng như thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xây lắp. Nhiều vấn đề quản lý vi mô còn bất cập, công tác quy hoạch còn vướng mắc, hoạt động xây dựng tuy được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, đó là: Sự bất cập, chưa đồng bộ giữa sự phát triển, mở rộng không gian đô thị với việc đổi mới và nâng cao chất lượng đô thị. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị dẫn đến việc mâu thuẫn với năng lực quản lý điều hành của chính quyền đô thị, việc quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng đô thị là vấn đề nóng bỏng và thường xuyên, song hầu hết ở nhiều đô thị chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu. Việc quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn còn chưa được triển khai rộng rãi (hiện mới đạt 23%), chưa gắn liền việc quy hoạch đất đai canh tác với quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết các đô thị của cả nước còn thấp (trung bình khoảng 30 – 45%) và không đồng đều giữa các vùng miền. Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn nhưng việc xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Việc triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà còn chậm, thị trường nhà ở tại các địa phương còn mất cân đối…



Tất cả những thành tựu cũng như khs khăn, thách thức là tiền đề quan trọng để ngành Xây dựng định hướng cụ thể, rõ ràng cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2009.




Năm 2009 – Sẵn sàng thích ứng với tình hình mới



Với những diễn biến hiện tại của nền kinh tế trong và ngoài nước thì không có gì đảm bảo mọi kế hoạch sẽ về đích như dự kiến, chính vì thế tập trung chặn đà suy giảm kinh tế không chỉ là công việc cấp thiết được Chính phủ rất coi trọng, mà đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X quán triệt sâu sắc. Phải chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… là vấn đề đặt ra cho các bộ, ngành.



Thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và và các giải pháp mà Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong năm 2009 toàn ngành Xây dựng tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chung của ngành được xác định là: hoàn thành chương trình xây dựng văn bản QPPL; xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chương trình quy hoạch lớn; tập trung thực hiện chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 trong đó tập trung nghiên cứu và triển khai đề án nhà ở xã hội giai đoạn 2009 – 2015 (triển khai rộng rãi tất cả các địa phương các giải pháp kích cầu để phát triển nhà ở xã hội, năm 2009 sẽ là năm quyết liệt thực hiện đề án này); đề án phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020, xây dựng chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.



Kế hoạch SXKD, đầu tư phát triển của các đơn vị trực thuộc Bộ được xác định như sau: Giá trị SXKD thực hiện 118.588,400 triệu đồng, tăng 12,3%, trong đó xây lắp tăng 8,6%, sản xuất VLXD tăng 21,4%, tư vấn giảm 9,1%, các lĩnh vực khác tăng 8,3%; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu là 676,5 triệu USD, bằng 70,6% so với ước thực hiện năm 2008; kế hoạch đầu tư phát triển dự kiến tăng 11%, các lĩnh vực đầu tư vẫn tập trung chủ yếu cho các dự án đầu tư về xi măng, phát triển nhà ở đô thị, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhà máy điện, tài chính và khu công nghiệp tập trung đồng thời hoàn thành cổ phần hoá các TCty theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.



Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng có một số giải pháp chủ yếu như: Các doanh nghiệp phải xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện quyết liệt 5 nhóm giảm pháp của Chính phủ. Tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp theo hướng tăng cường tích tụ, tập trung nguồn lực để tiến tới hình thành các tổ chức kinh tế mạnh theo mô hình tập đoàn, cơ cấu lại vốn doanh nghiệp cho hợp lý. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, đa dạng hoá các hình thức đầu tư và hình thức sở hữu trong đầu tư xây dựng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng, thuỷ điện, phát triển đô thị. Tăng cường huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư để chia sẻ rủi ro, chống khép kín trong đầu tư xây dựng…



Những mục tiêu cụ thể cùng với nhóm giải pháp đồng bộ, thiết thực sẽ là điều kiện để toàn ngành Xây dựng thực hiện kế hoạch đề ra trong điều kiện kinh tế Việt Nam và thế giới chưa có dấu hiệu khả quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *