Hồ sơ chính thức đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là di sản văn hóa thế giới lên đường đến Pari





10 giờ 30 phút ngày 19/1, hồ sơ chính thức đề nghị UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới đã được Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành Cổ Hà Nội đóng gói để chuyển đến Trung tâm Di sản thế giới (tại Pari – Cộng hòa Pháp) trước sự chứng kiến của đại diện UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban UNESCO Việt Nam, chuyên gia Vùng Ile de France (CH Pháp) và các cơ quan báo chí. Đây là tin vui đối với Thủ đô Hà Nội trước thềm Xuân mới Kỷ Sửu 2009.


Trước đó, ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản số 1595/TTg-KGVX cho phép gửi hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cuối tháng 11/2008, Trung tâm Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã chuyển đến văn thư nhận xét về bộ hồ sơ Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội đề nghị phía Việt Nam chỉnh sửa một số điểm về kỹ thuật, câu chữ, phương pháp trình bày, chuẩn hóa ngôn ngữ thể hiện. Theo lịch trình, hồ sơ chính thức phải nộp trước ngày 1/2/2009. Từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2010 là thời gian các cơ quan tư vấn của UNESCO thẩm định. Tháng 6 – 7/2010, Ủy ban Di sản thế giới sẽ họp khóa thường niên để xem xét, quyết định.


Sau khi đã chỉnh sửa, hồ sơ chính thức gửi đi được chuẩn bị theo hướng dẫn của UNESCO, với kết cấu gồm 9 mục, 162 trang được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm: xác định di sản; mô tả di sản; những lý giải cho việc đăng ký tên; tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di sản; bảo vệ và quản lý di sản; giám sát; lập hồ sơ tư liệu; thông tin liên hệ của các cơ quan hữu trách và chữ ký đại diện các quốc gia thành viên. Kèm theo đó là Kế hoạch quản lý khu di sản và phụ lục kế hoạch bảo tồn và phát triển Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội (do chuyên gia Vùng Ile de France – CH Pháp giúp đỡ xây dựng). Phụ lục hồ sơ tư liệu về khu di tích gồm 4 quyển; trong đó tập trung mô tả khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, vùng đệm di sản, phân tích so sánh giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di tích (số liệu về động đất ở Hà Nội, số liệu về ô nhiễm không khí trung bình ở Hà Nội từ 199-2004, số liệu khí tượng thủy văn ở Hà Nội từ 1995 đến tháng 7/2008)…Cùng với đó là các bản đồ, ảnh di tích và di vật (391 ảnh), bộ phim video 45 phút, 84 ảnh slide.


Theo đó, vùng lõi của di tích được xác định bao gồm khu di tích Thành cổ Hà Nội với diện tích 138.657,8m2 và di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu với diện tích 47.720,1 m2 (phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương; phía Nam giáp đường Bắc Sơn và khuôn viên Nhà Quốc hội mới; phía Tây Nam giáp đường Điện Biên Phủ; phía Tây giáp đường Hoàng Diệu, Độc Lập và khuôn viên Nhà Quốc hội mới). Vùng đệm của di sản bao gồm toàn bộ Khu Trung tâm chính trị Ba Đình nối đến phần đường Nguyễn Tri Phương tiếp giáp Bộ Quốc phòng (phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam giáp đường Trần Phú, phố Ông Ích Khiêm, phố Sơn Tây; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây giáp đường Ngọc Hà).


Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có bề dày lịch sử hơn 10 thế kỷ, trải suốt từ thời tiền Thăng Long qua thời Lý Công Uẩn định đô, khai sáng vương triều Lý, đến thời đại Hồ Chí Minh. Quần thể di tích rộng lớn này bao gồm những di tích nổi trên mặt đất và hệ thống di tích khảo cổ đã khai quật cũng như còn ẩn sâu dưới lòng đất. Những dấu tích còn lại đã chứng minh đây chính là vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng bậc nhất của quốc gia, nơi ở-làm việc của nhà vua và triều đình suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, là di sản văn hóa vô giá của dân tộc và có tiềm năng được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tại Quyết định số 16/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng “Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” đối với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (thuộc phường Điện Biên, phường Quán Thánh – quận Ba Đình – Hà Nội)./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *