|
Hanoinet – Xung quanh Quyết định 51 nhằm đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đang có những luồng thông tin trái chiều gây hiểu nhầm trong dư luận, ông Lưu Tiến Long – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
– PV: QĐ 51 vừa qua hiện đang có những luồng thông tin trái chiều rằng sẽ bãi bỏ hoặc thay thế QĐ này, ý kiến của ông như thế nào?
– Ông Lưu Tiến Long: Tôi chưa từng đề cập đến vấn đề bãi bỏ hay thay thế QĐ 51, bởi tôi không có thẩm quyền quyết định vấn đề này. Quyết định thuộc thẩm quyền của UBND TP.
Tuy nhiên, với tư cách là tham mưu cho TP, là cơ quan được giao chủ trì việc thực hiện QĐ này, chúng tôi đã làm việc với Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp Hà Nội, cả hai bên đều đánh giá về bản chất của QĐ là tốt, rất thiết thực cho TP. Bởi vậy, theo tôi sẽ không có chuyện bãi bỏ mà chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong kế hoạch đó, sẽ nêu cụ thể đối tượng kiểm tra, kiểm soát, lộ trình để thay thế phương tiện vận chuyển…
– PV: Ông cho biết đầy đủ bản chất cũng như mục đích của QĐ 51?
– Ông Lưu Tiến Long: Quyết định này không hề có ý “ngăn sông cấm chợ” mà nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối tượng của QĐ 51 hướng tới là những nơi sản xuất, chế biến tập trung, chứ không cấm các hộ dân. Song, cũng do câu chữ chưa được chặt chẽ nên đã gây hiểu nhầm.
Theo đó, chúng tôi sẽ làm một kế hoạch trình lên UBND TP vào cuối tuần tới. Kế hoạch chỉ rõ, cụ thể sẽ tập trung xử lý đối với các nơi chế biến gia súc, gia cầm lớn, tập trung. Kiểm soát đầu vào đối với gia súc, gia cầm sống. Còn như hiện nay, lợn mổ phanh rồi mà cứ vận chuyển giữa phố rất mất vệ sinh, gây phản cảm.
Bên cạnh đó, không phải bây giờ TP mới có QĐ về vấn đề vận chuyển, giết mổ buôn bán gia súc, gia cầm, mà đã ban hành từ năm 2007. Quyết định 51 chỉ là ban hành lại cho hợp thức về mặt thủ tục hành chính sau hợp nhất, nâng cao tính pháp lý của văn bản.
– PV: Vậy kế hoạch thực hiện Quyết định này như thế nào?
– Ông LưuTiến Long: Tập quán sinh hoạt trong việc mua bán, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm đã có từ rất lâu, không thể phút chốc mà thay đổi được. Vì vậy, phải tìm cách giải quyết theo lộ trình để dần dần tiến tới đích chung. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của con người không phải là chuyện đơn giản. Bởi thế, song song với việc làm theo lộ trình, dần dần cũng phải tạo ra áp lực để thay đổi tập quán.
– PV: Để có 1 chiếc xe bảo ôn hoặc đông lạnh đối với các hộ giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm không phải chuyện một sớm một chiều, thưa ông?
– Ông Lưu Tiến Long: Để tiến tới thay đổi tập quán vận chuyển hàng hóa thô sơ, thủ công như hiện nay thì phải có mô hình làm hạt nhân ban đầu, rồi tiến tới nhân rộng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất TP hỗ trợ ban đầu cho người vận chuyển: Hỗ trợ tiền thuế trước bạ, tiền đăng kiểm… để họ giảm bớt chi phí.
Mặt khác, không phải mỗi hộ sẽ phải mua một chiếc xe bảo ôn hay xe đông lạnh mà sẽ hướng tới dịch vụ vận chuyển, cung cấp đến các chợ theo yêu cầu, khả năng tiêu thụ của các sạp hàng. Mô hình này sẽ thay đổi kiểu tự cung tự cấp, tự đi mua gia súc về sau đó tự giết mổ và mang ra chợ tiêu thụ.
– PV: Như vậy, có thể hiểu, tại thời điểm này, QĐ 51 sẽ chưa áp dụng vào thực tế?
– Ông Lưu Tiến Long: Thực ra tại thời điểm này, các lực lượng chức năng theo thẩm quyền vẫn xử phạt được các hành vi đang diễn ra đối với việc vận chuyển, giết mổ… gia súc, gia cầm. Như, lực lượng thú y vẫn xử lý đối với những xe hàng hóa không có giấy kiểm dịch, cán bộ QLTT vẫn xử lý đối với thịt không có tem kiểm dịch.
– PV: Xin cảm ơn ông!
Theo ANTĐ