|
Phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng không đồng đều cũng như chưa được nghiên cứu trước khi lấy đất nông nghiệp làm mặt bằng là những yếu tố đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Phân bố không đồng đều
Tổ công tác của UBND TP Hà Nội đang thực hiện rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội mới bao gồm: TP Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Trong đó, đối tượng trọng tâm là các đồ án quy hoạch đang trong giai đoạn thực hiện các bước quy hoạch; các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện các công đoạn thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư được chính quyền các địa phương nói trên trước khi hợp nhất, sáp nhập đã cho chủ trương hoặc phê duyệt hay cấp phép đầu tư trong vòng 1 năm trước ngày 1/8/2008.
Đến nay, tổ công tác đã rà soát được 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, tỉ lệ 1/500 và 1/2000. Trong đó có 402 đồ án được cấp thẩm quyền phê duyệt với diện tích khoảng 40.271ha.
Kết quả rà soát cho thấy, trong 376 dự án đã được cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư trong phạm vi Hà Nội mở rộng, có tới 72 dự án được cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư giai đoạn từ tháng 3/2008 đến trước 31/7/2008, cận thời điểm sáp nhập một số tỉnh vào Hà Nội (1/8/2008).
Đáng chú ý, tại Hà Nội mở rộng hiện nay, mặc dù các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được phân bố trên tất cả 29 quận, huyện và thị xã nhưng sự phân bố về số lượng, quy mô chiếm đất của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, lĩnh vực đầu tư… trên các đơn vị hành chính có sự khác nhau khá lớn.
Điển hình quận tại trung tâm thành phố như quận Hoàn Kiếm chỉ có 01 đồ án, dự án đầu tư với quy mô chiếm đất chỉ 0,32ha. Trong khi đó có những huyện như Quốc Oai có tới 103 đồ án, dự án đầu tư với quy mô chiếm đất tới gần 10.000 ha.
Hoặc cùng là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng cũng có sự khác biệt lớn về tình hình phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư. Tại huyện Ứng Hòa chỉ có 4 đồ án, dự án trong khi con số này tại Quốc Oai là 103, Hoài Đức là 85 đồ án, dự án.
Không những vậy, có quá nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực BĐS so với các lĩnh vực khác (chiếm 51% về số lượng các đồ án, dự án và 51,7% về tổng diện tích mặt bằng).
Phần lớn các đồ án, dự án chủ yếu tập trung và các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường – GPMB, giá đất thấp và một số thuận lợi mang tính đặc thù khác (ví như tại 4 xã của Lương Sơn, Hòa Bình trước khi sáp nhập).
Những hệ lụy không tránh khỏi
Sự mất cân đối trong việc phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn cũng như các lĩnh vực còn kéo theo nhiều yếu tố khác.
Do chưa có quy hoạch chung nên nhiều đồ án, dự án nằm trong cùng một khu vực, địa bàn chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau, đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung như: đường giao thông, cấp, thoát nước; xử lý rác thải, nước thải, cấp điện… Do vậy, đã và đang tiềm ẩn một tương lai phát triển không bền vững.
Một lo ngại khác là, phần lớn các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư sử dụng đất canh tác nông nghiệp làm mặt bằng nhưng chưa nghiên cứu kỹ đã tác động trái chiều đối với người dân về các mặt kinh tế xã hội và xác định các phương án xử lý bền vững, hiệu quả, bước đầu đã tiềm ẩn các vấn đề bất ổn về an ninh nông thôn và tam nông.
Đặc biệt, sự bất ổn ấy càng được thấy rõ nét ở những dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất trồng lúa với diện tích lớn tại những vùng còn khó khăn về phát triển kinh tế xã hội, chưa có phương án tạo việc làm mới thay thế một cách khả thi và thuyết phục.
Một bất cập nữa, thực tế số đồ án quy hoạch, dự án được phê duyệt, cấp phép đầu tư thì khá nhiều nhưng tốc độ, quy mô triển khai, giải ngân thì chậm, thậm chí có mặt bằng bị bỏ trống gây bức xúc trong dư luận.
Theo tổ công tác, trước tình hình kinh tế, thị trường tài chính khó khăn như hiện nay, các nhà đầu tư khó có thể huy động đủ lượng vốn để giải ngân thực hiện một số lượng các dự án đầu tư lớn (nêu trên) theo đúng tiến độ đã cam kết.
Do đó, để đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là đất trồng lúa, rau quả năng suất cao một cách tiết kiệm, phù hợp với quy luật cung – cầu của thị trường, sử dụng vốn an toàn, hiệu quả, tránh tình trạng quá dư thừa nhà ở trong tương lai, Tổ công tác đề xuất cần phải dừng, hoãn, giảm, giãn tiến độ và chuyển công năng của một số dự án BĐS chưa cần thiết.
Theo DT