Dân không cần, vẫn phá sân Con Voi xây chợ… vì dân?











Dù voi chẳng ra voi, sân chẳng còn sân… thì khoảng xanh hiếm hoi giữa Thủ đô này vẫn là nơi người dân kéo tới hàn huyên, hít thở không khí trong lành! (Chụp giữa tháng 2/2009 – Ảnh: H.H)

Hanoinet – Sau một thời gian xây tường ngăn, bịt sân chơi Con Voi, bị nhân dân thắc mắc, báo chí đặt vấn đề, giữa tháng 2/2009, một tấm biển sơ sài mới được cắm vội lên bờ tường gạch bao quanh sân này, như để đối phó với dư luận…


 


Chợ tạm chiếm sân chơi… vô thời hạn?


 


Từ lúc tấm biển được cắm, dân phường Trung Tự lúc ấy mới được biết chính quyền đang xây gì trên sân chơi chung của khu vực!? Nhưng tấm biển thiếu hầu hết những thông tin quan trọng nhất mà người dân đang quan tâm, gồm: ngày khởi công, ngày hoàn thành, tổng vốn đầu tư, diện tích xây dựng, số tầng, chiều cao tối đa toàn công trình…


  


Tấm biển ngoài hình vẽ mờ mờ ảo ảo chỉ ghi những thông tin “không nói cũng biết”, như: “Công trình: Xây dựng chợ trên khu đất Con Voi – phường Trung Tự; Địa điểm xây dựng: Phường Trung Tự – Quận Đống Đa – Hà Nội; Chủ đầu tư: UBND quận Đống Đa; Đơn vị thực hiện dự án: Ban Quản lý dự án quận Đống Đa…”!!! 


 


Nhân dân lại một phen thất vọng: Thế là cuối cùng những người có trách nhiệm vẫn cố tình không cho dân biết cái mà dân có quyền được biết, như bao giờ chợ được hoàn thành, chiếm mất bao nhiêu diện tích sân chơi Con Voi, vươn lên choán bao nhiêu không gian thoáng rộng chung của khu, tổng mức đầu tư “đốt” mất bao nhiêu tiền ngân sách…?


 


Điều người dân canh cánh: Sân Con Voi phải “hy sinh” với lý do xây chợ tạm – vậy tạm đến bao giờ? Tổng mức đầu tư và thiết kế (do Cty Tư vấn và thiết kế xây dựng Hà Nội lập) có thể hiện đây chỉ là ngôi chợ tạm không? Dù dân không đồng tình vẫn đổ ngân sách ra “ngăn sân xây chợ” – vậy khi nào hết thời gian “tạm” lại phá chợ đi, lãng phí ngân sách hay sao? Còn nếu xây công trình vĩnh cửu, không bao giờ phá thì đâu có thể gọi là “chợ tạm”, và sân Con Voi sẽ bị chiếm vô thời hạn???


  


Bà Nguyễn Thị Trinh (phòng 405 G1 Trung Tự) khẳng định: “Dân chúng tôi ở đây chưa bao giờ được họp bàn, thông báo, lấy ý kiến về việc biến sân chơi Con Voi thành chợ. Dựa vào đâu bảo là xây chợ này theo ý nguyện nhân dân, để phục vụ nhân dân? Bỗng nhiên đùng đùng xây tường bịt sân từ hàng tháng rồi, chúng tôi chẳng biết là làm cái gì, vài hôm nay mới thấy treo biển mà thông tin vẫn rất mù mịt. Trước sau như một, chúng tôi tuyên bố không cần cái chợ trên sân Con Voi. Thử trưng cầu dân ý khu này đi, sẽ thấy 99% cư dân bất bình xây chợ! Hãy trả lại chúng tôi sân chơi”.


 


Cũng như vậy, bà Hồ Thị Thúy (hơn 80 tuổi) ở căn hộ 201 E5b Trung Tự ngay sát sân Con Voi nhấn mạnh: “Xưa, đây là vườn hoa đã được qui hoạch cố định rồi, cả những con voi bê-tông vẫn sừng sững kia! Bỗng chính quyền đòi xây chợ lên sân này, họp với cán bộ nào, ở đâu chứ chúng tôi liền ngay đây đâu có biết? Đúng ra phải công khai với nhân dân xung quanh, xem ý dân thế nào – nhưng chắc là họ chẳng bao giờ dám họp với dân đâu, dù vin cớ xây chợ này để phục vụ nhân dân, bởi nếu họp thì chúng tôi sẽ phản đối đến cùng! Chúng tôi nói mà Phường, Quận không nghe, không dừng dự án này lại thì chúng tôi sẽ phản ánh với Thành ủy, Hội đồng nhân dân… đến khi nào lấy lại được sân chơi mới thôi”!


  


Trao đổi với PV qua điện thoại vào trung tuần tháng 2/2009, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Đức Học cho biết, dự án này chưa khởi công mà mới chỉ… khởi động (!?), vì chưa giải phóng được hoàn toàn mặt bằng. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, tại sân chơi Con Voi, bức tường tương ứng với bản vẽ phối cảnh trên biển báo treo ở sân này đã được xây kiên cố và đang tiếp tục hoàn thiện.


 


Dân sẵn sàng đóng tiền chỉnh trang sân chơi Con Voi!


 


Một điều lạ, đứng trước sự kiện sân Con Voi bị “khai tử”, chính đông đảo nhân dân phường Trung Tự và đặc biệt là các bà nội trợ đều khẳng định không cần xây ở đây một cái chợ, trong khi chính quyền Phường, Quận lại rất cần xây chợ (dù là tạm) tại nơi này!?


 


Điều này, theo người dân – rõ ràng đang đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là phải “gắn qui hoạch chợ với qui hoạch phát triển các siêu thị, trung tâm bán buôn, trung tâm bán lẻ, trung tâm thương mại…; giải tỏa hết số chợ tạm, chợ cóc gây mất trật tự, ô nhiễm vệ sinh môi trường và ảnh hưởng đến an toàn giao thông…”. Hà Nội cũng đang từng bước cải tạo các chợ dân sinh cũ thành trung tâm thương mại kết hợp siêu thị, văn phòng – đảm bảo đa dạng trong phương thức phục vụ, mỹ quan, môi trường, giao thông và an toàn phòng cháy chữa cháy… Người dân tại đây muốn biết “chợ Con Voi” này có nằm trong qui hoạch mạng lưới chợ Thủ đô không?


 


Không muốn vĩnh viễn chia tay với khoảng sân chơi quý giá, nhiều hộ gia đình sống trong các khu tập thể liền kề sân Con Voi cam kết nếu chính quyền thiếu tiền để cải tạo, chỉnh trang sân chơi công cộng này thì chỉ cần đứng ra “chủ trì”, nhân dân sẽ “chủ chi”, sẵn sàng đóng góp, miễn sao “cứu” được khoảng xanh hiếm hoi lọt giữa các khu nhà vốn đã xuống cấp, tù túng và những con đường nội bộ nhỏ hẹp, chật chội…


 


Bà Thúy ở E5b còn tiết lộ: “Không hiểu chính quyền ở đây làm gì mà thiếu tiền đến thế, phá sân chơi xây chợ đã là quá đáng, vừa rồi chợ cũng chưa xây mà hóa ra quây tường cho một đơn vị thuê mặt bằng sân Con Voi này để đúc các cấu kiện bê-tông rồi chuyển đi đâu không biết, cứ suốt ngày ầm ầm máy móc, bụi bặm… Chúng tôi chịu không nổi, kéo nhau hết đoàn nọ đội kia lên Phường khiếu nại. Đầu tiên họ chối nhưng rồi cũng phải nhận là cho một đơn vị Sông Đà thuê 3 tháng thôi!”.


 


Tìm vào Trường Tiểu học Trung Tự – nơi có dãy nhà cao tầng với hàng chục lớp học nằm sát sân Con Voi, ngày ngày vẫn mở cửa đón luồng gió thoáng mát từ sân này cho hàng trăm học sinh “tận hưởng” – gặp Hiệu trưởng Nguyễn Thị Dung, người suốt mấy năm qua kiên quyết phản đối việc xây chợ nhiều tầng lên sân Con Voi, sát dãy nhà của trường Trung Tự. Cô Dung từ chối trả lời phỏng vấn vì theo cô thì “nói cũng có ai nghe đâu, càng nói người ta càng làm đấy!”.


 


Ngao ngán vì mệt mỏi đấu tranh mà cuối cùng sân Con Voi vẫn bị “chiếm”, nhưng rồi người giáo viên này cũng không giấu nổi lo lắng: “Chợ 3 tầng mà lại sát vào dãy phòng học của trường chúng tôi thì còn đâu khoảng không thoáng đãng cho các cháu? Thêm nữa, chợ chắc chắn sẽ kéo theo tiếng ồn, ô nhiễm… vì ý thức dân mình và sự quản lý còn kém lắm, các cháu học làm sao được đây?”…


 


 



Theo VNN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *