Hanoinet – Mùi chua, mùi hôi hám nồng nặc và đủ thứ mùi tạp nham gây khó chịu khi chúng tôi đặt chân đến các làng nghề của huyện Từ Liêm. Hầu hết lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất tại làng nghề chưa qua xử lý, được thải chung vào đường cống của làng, chảy thẳng ra kênh, mương khiến nước ao hồ đen quánh, ô nhiễm, bốc mùi hôi hám…
Huyện Từ Liêm khá nổi tiếng với sản phẩm của các làng nghề như nghề làm bún ở làng Phú Đô (xã Mễ Trì), nghề làm đậu phụ của các xã Phú Diễn, Thượng Cát, nghề làm bánh kẹo của xã Xuân Đỉnh, nghề làm dây nhựa nilon, nhựa tái chế ở xã Trung Văn, nghề dệt vải ở xã Đại Mỗ… nhưng hiện các làng nghề này đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngay cạnh sân Mỹ Đình là cổng làng bún Phú Đô trang hoàng, sạch đẹp. Thế nhưng khi vào sâu trong làng, tình trạng ô nhiễm gây bốc mùi hôi thối xảy ra xung quanh làng nghề này.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Quang Cảnh, trưởng thôn Phú Đô cho biết, có 1.200 hộ gia đình sinh sống ở Phú Đô. Khoảng 50% dân làng Phú Đô theo nghề làm bún gia truyền. Bình quân mỗi ngày làng Phú Đô xuất xưởng trên 40 tấn bún. Có hộ gia đình cho ra lò gần một tạ bún/ngày.
Sản phẩm bún của làng làm ra trắng trong là vậy, nhưng chất thải từ nước gạo chua kết hợp với nước thải từ các chuồng trại chăn nuôi chảy ra hệ thống cống rãnh của làng đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Chị Phạm Thị Huệ, thuê nhà ở trong làng Phú Đô cho hay, mỗi khi về đến nhà là chị cảm thấy ngột ngạt bởi những mùi tạp nham khó chịu từ bên ngoài bốc lên ngay trong ngôi nhà chị ở. Hiện chị vẫn đang chạy đôn chạy đáo để tìm nhà, bởi mỗi khi ngồi vào mâm cơm là chị hầu như nuốt không nổi.
Cũng như làng bún Phú Đô, các xã Phú Diễn, Thượng Cát cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm nguồn nước thải khi sản xuất đậu phụ. Hàng ngày, nước thải chua trong quá trình sản xuất đậu phụ cùng nước thải từ các chuồng lợn đổ ra hệ thống cống chung của xã gây hôi hám, ô nhiễm môi trường.
Còn mỗi khi xã Xuân Đỉnh “vào mùa” sản xuất bánh kẹo, mứt, ô mai, lượng nước thải trong quá trình sản xuất bánh kẹo cũng được thải ra hệ thống cống rồi đổ ra các con mương lớn nằm trên trục đường vào xã.
Anh Dương Xuân Hòa, cán bộ thuế – thương nghiệp xã Xuân Đỉnh cho hay, có 40 hộ gia đình sản xuất bánh kẹo, mứt, chủ yếu tập trung ở thôn Đông, xã Xuân Đỉnh. Các hộ này sản xuất thời vu, mỗi đợt khoảng 50 ngày cho các dịp lễ, tết. Hàng năm, xã giao trách nhiệm nạo vét, khơi thông hệ thống mương cống cho thôn Đông. Hiện cả xã vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Dẫu thời điểm này, Xuân Đỉnh không còn “vào mùa” sản xuất bánh kẹo nhưng khi chúng tôi mục sở thị hệ thống mương cống ở đây vẫn chung thủy một màu đen ngòm.
Các làng nghề làm dây nhựa nilon ở xã Trung Văn, nghề dệt vải ở xã Đại Mỗ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khí thải sản xuất dây nhựa nilon, nhựa tái chế ở xã Trung Văn rất độc hại. Còn ở xã Ðại Mỗ, vải phải sử dụng nhiều loại hóa chất để tẩy trắng hoặc nhuộm mầu và nước thải độc hại này lại được đổ ra ao, hồ, hệ thống mương trong xã khiến môi trường bị ô nhiễm.
Biết là ô nhiễm môi trường, là độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nhưng hàng nghìn, hàng vạn lao động tại các làng nghề vẫn đánh đổi sức khoẻ, mạng sống của mình chỉ vì “miếng cơm manh áo”.
Mới đây, Sở Xây dựng và Liên danh tư vấn Nippon Koei – Viwase đã trình bày dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho Thủ đô Hà Nội, dự kiến lên tới 10.000 tỷ đồng. Nằm trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước tại Hà Nội, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn nhằm thu gom và xử lý nước thải của Hà Nội, chủ yếu là của khu vực nội đô, đông dân cư. Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ được xây dựng tại xã Thanh Liệt, xã Tân Triều với diện tích 13 ha và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô được xây dựng tại cánh đồng Phú Đô, thuộc thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm với diện tích 6 ha.
Thay vì nước thải xả trực tiếp ra các “sông đen” như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Lừ… gây ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, toàn bộ nước thải sẽ được tập trung về nhà máy, sau khi xử lý mới xả ra sông.
Đây là một tín hiệu vui cho những người dân sinh sống trong các làng nghề tại Hà Nội
Hồng Thái