Nâng cao đời sống vùng di dân tái định cư





Ngày 18/2, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Uỷ ban Dân tộc,… về tình hình, kết quả thực hiện di dân tái định cư các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.


Báo cáo cuả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Trong thời gian qua, các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi trọng điểm tập trung chủ yếu từ những năm 1995-2009 với 22 công trình đã và đang được xây dựng, tổng số diện tích đất bị thu hồi là hơn 81.000ha và gần 50.000 hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng; trong đó phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong công tác di dân tái định cư, song tính đến thời điểm này, đời sống của nhân dân tại các điểm tái định cư vẫn còn khó khăn, chưa tạo thêm được việc làm để tăng thu nhập cho người dân; trong đó có hiện tượng một số hộ dân ở một số vùng tái định cư quay trở lại nơi ở cũ.


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, nói tới di dân tái định cư công trình thuỷ điện, thuỷ lợi liên quan tới 5 vấn đề cụ thể cần giải quyết đó là: công tác đền bù, hỗ trợ đời sống của nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức di chuyển nhân dân và các phương án phát triển sản xuất. Ông Ksor Phước đề nghị các Bộ, ngành cần nghiên cứu đề đưa ra những đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách trong khi thực hiện. Các vấn đề về đất sản xuất cho người lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm cho bà con, vấn đề an ninh lương thực tại chỗ là những vấn đề cấp bách cần tìm được lời giải.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng nơi bà con chuyển đến. Việc hỗ trợ sản xuất cho bà con là việc khó khăn nhất, trong đó vấn đề tiên quyết là giải quyết đất sản xuất. Bộ trưởng đề xuất cần phải có kế hoạch nâng cao chất lượng đất sản xuất kết hợp với khai hoang các vùng đất mới; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ thâm canh, phát huy cao hơn nghề rừng, kết hợp trồng cây lâu năm với chăn nuôi. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần chú trọng tới công tác dạy nghề cho bà con. Cần quan tâm tới những ngành nghề bà con đã quen làm sau đó mới mở rộng ra các ngành nghề mới.


Tại buổi làm việc các thành viên Hội đồng dân tộc, đại diện các Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường; Uỷ ban về các vấn đề xã hội; Uỷ ban quốc phòng an ninh của Quốc hội đã nêu lên những nhiệm vụ cần giải quyết trong giai đoạn tới đó là: Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên, giữa các Bộ, ngành với các địa phương. Các cấp, các ngành cần thường xuyên bám cơ sở, để giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh, để giúp bà con đến nơi ở mới sớm ổn định cuộc sống./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *