Các công trình kiến trúc quen thuộc của Hà Nội xuất hiện vào thời điểm đầu thế kỷ 20, giờ cũng đã thay đổi ít nhiều do sự tàn phá của chiến tranh… và sau này đã được khôi phục, xây mới lại.
Dù vậy, với người Hà Nội những dấu ấn kiến trúc thân thương ấy đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian…
Bưu điện Bờ Hồ
Việc xây dựng nhà Bưu điện Bờ Hồ hoàn thành vào năm 1901. Nhà bưu điện xây trên nền chùa Báo Ân. Năm 1917 Bưu điện bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn. Lúc bấy giờ bưu tá Hà Nội đi phát thư, chưa có xe đạp phải dùng xe tay, sau khi nhận thư từ Bưu điện Trung tâm Bờ Hồ, phu xe kéo đưa bưu tá đến địa chỉ cần chuyển.
Năm 1954, thua trận ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp phải ký hiệp định Geneva và rút quân khỏi Việt Nam. Khi bàn giao Bưu điện Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì chỉ có một tổng đài điện thoại cộng điện 1.500 số và gần 600 thuê bao. Sau năm 1954, hầu như không có nhà dân nào có máy điện thoại trừ gia đình cán bộ trung và cao cấp. Dù cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước còn nhiều gian khổ và hy sinh, song công trình xây dựng “Nhà Bưu điện mới” vẫn được khởi công vào ngày 8-3-1971. Năm 1976, tòa nhà chính hướng ra hồ Hoàn Kiếm cao năm tầng, mặt tiền dài 51 mét cơ bản hoàn thành. Ngày 2-9-1978, bản nhạc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” vang lên từ chiếc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ.
“Bưu điện Bờ Hồ” hiện nay được trang bị cơ sở vật chất khá hiện đại để đáp ứng nhu cầu thông tin, viễn thông cho người dân. Nhiều dịch vụ thông tin, viễn thông được cung cấp cho các khách hàng, từ gọi điện thoại công cộng, chuyển nhận tiền gửi qua bưu điện, các dịch vụ liên quan đến điện thoại di động, điện thoại cố định và nhiều dịch vụ khác.
Ga Hàng Cỏ
Năm 1902, ga Hàng Cỏ (năm 1976 đổi thành ga Hà Nội) ra đời. Từ đây, các tuyến đường sắt lần lượt được hình thành, nối thủ đô Hà Nội với mọi miền của đất nước. Ban đầu là tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn rồi Hà Nội – Hải Phòng (1903), Hà Nội – Lào Cai (1905). Hơn ba chục năm sau, con đường sắt xuyên Việt được hình thành vào năm 1936.
Ga Hàng Cỏ – năm 1929
Toàn bộ công trình ga Hàng Cỏ bấy giờ có diện tích lên đến hơn 21ha, trong đó người Pháp dành nửa diện tích để xây dựng nhà cửa, phần còn lại là sân ga, đường sắt. Ban đầu, người Pháp chỉ xây một tòa nhà chính giữa sau đó mới xây hai tòa phụ hai bên. Trong những tháng ngày chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, ga Hà Nội là một trong những điểm bị bắn phá ác liệt nhất. Năm 1972, một quả bom rơi trúng tòa chính và phá hủy hoàn toàn tòa nhà này. Tòa chính đã được xây lại và hoàn chỉnh năm 1976. Bây giờ, kiến trúc kiểu Pháp còn xuất hiện ở hai tòa nhà phụ nhưng cũng đã bị cải tạo ít nhiều.
Ngày nay, lựa chọn đi tàu hoả từ ga Hà Nội đến các tỉnh thành khác vẫn là thói quen của nhiều người dân, mặc dù các phương tiện công cộng như ô tô khách, xe bus khá tiện cho hành khách.
Cầu Paul Doumer (Long Biên)
Vào tháng 9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Cầu được đặt tên là Paul Doumer.
Cầu Long Biên được thiết kế bởi kiến trúc sư, cha đẻ của tháp Eiffel, biểu tượng nước Pháp. Thay cho những công nhân Trung Quốc được tuyển trước đó, bằng sự khéo léo, tinh nhanh, năng động, chính những người thợ Việt Nam đã lắp ráp các cấu kiện kim khí, tán đinh chốt, sử dụng cần cẩu… dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp, cầu xây đúng vị trí mà chiếc tàu của thực dân Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc mở đầu xâm lược Việt Nam khi xưa.
Cầu gồm 20 bệ trụ xây và mố, với chiều sâu 30m và cao 13,5m tính mức nước thấp nhất. Phía hữu ngạn có cầu vòm dài 800m, toàn thân cầu là 2.500m. Nét độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ hai bên, đường sắt ở giữa lối đi bên trái (Hiện nay, người dân đi xe máy xe đạp từ quận Hoàn Kiếm sang quận Long Biên qua cây cầu này vẫn đi bên đường phía trái cầu, còn đi từ quận Long Biên sang quận Hoàn Kiếm lại đi phía phải của cầu. Điều này khác với cách phân đường đi thông thường phía bên phải ở Việt Nam, khác ngay với cách chia đường đi ở cầu Chương Dương gần đấy (được xây mới về sau này). Khi được xây dựng, cầu Long Biên là 1 trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới, nổi bật nhất ở Viễn Đông.
Một thế kỷ đã qua, song cây cầu Long Biên vẫn được sử dụng và là một hình ảnh quen thuộc trong tâm trí người Hà Nội. Những ngày nóng nực một số người dân, học sinh, sinh viên còn rủ nhau đi qua cầu để hóng gió. Nhiều đôi lứa sắp thành vợ chồng cũng chọn cầu Long Biên làm cảnh nền để chụp những kiểu ảnh kỷ niệm, ảnh làm album cưới đẹp và lạ mắt.
Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Cổng chợ nhìn sang phía tây, phía trước là một khoảng trống nhỏ. Phía Bắc có quán Huyền Thiên (sau đổi thành chùa Huyền Thiên). Ngay sát sau chợ là chợ Bắc Qua. ở góc tây bắc của chợ có đài Cảm tử, kỉ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến.
Chợ Đồng Xuân tuy nằm trong khu phố cổ nhưng có tuổi đời trẻ hơn rất nhiều so với các phố xung quanh. Trước kia đây là khu đất trống thuộc phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương nằm trước quán Huyền Thiên. Năm 1889, khi những dấu tích cuối của và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, người Pháp quy hoạch lại đã giải tỏa hai chợ cũ và dồn tất cả các hàng quán vào khu đất trống của phường Đồng Xuân, tạo thành chợ Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.
Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân, tạo thành năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn.
Tại đây đã diễn ra các trận chiến ác liệt chống lại lính Lê dương của Pháp, rất nhiều người đã hi sinh tại đây trước khi rút khỏi Hà Nội.
Sau ngày giải phóng thủ đô, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội.
Vào khoảng năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.
Năm 1994, chợ Đồng Xuân đã bị hỏa hoạn, lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ.Sau đó chợ được xây dựng lại.
Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối dành cho bán buôn là chính. Xưa kia chợ bán rất nhiều loại hàng, nhưng hiện tại chủ yếu bán đồ điện tử, đồ gia dụng, vải vóc quần áo. Phía sau chợ có các hàng bán chim thú cảnh. Phía Bắc của chợ, là các hàng ăn, phục vụ khách cả ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc. Hiện nay không chỉ những người mua bán buôn hàng hoá tìm đến chợ Đồng Xuân để giao thương, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước khi đi du lịch ở Hà Nội thường đến thăm quan và mua sắm ở chợ Đồng Xuân. Khu chợ nằm ngay trong khu phố cổ, không xa các phố nổi tiếng bán đồ lưu niệm, hàng thời trang, như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai…Lại gần khu di tích Đền Ngọc Sơn… rất tiện cho một chuyến thăm quan ở khu trung tâm thành phố.
Theo Tổ quốc