Cầu Nhật Tân lại trễ hẹn












Ý tưởng xây dựng một cây cầu mang tính thẩm mỹ cao, thể hiện được bản sắc Hà Nội đã có từ lâu. Và rồi dự án xây dựng cầu Nhật Tân dây văng đã được lựa chọn để thỏa mãn nguyện vọng đó. Thế nhưng, qua bao đợt hứa hẹn khởi công của chủ đầu tư là phía Bộ GTVT thì dự án trên vẫn “án binh bất động”.



Chậm khởi công vì nhiềuvướng mắc



Theo kế hoạch đầu tiên của UBND TP thì dự án cầu Nhật Tân sẽ phải khởi công vào cuối năm 2006. Nhưng thời điểm đó dự án không thể khởi công vì dự án do phía Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Lúc đó, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Trân, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân phải đến cuối năm 2007 mới được khởi công xây dựng. Và rồi thời gian cứ trôi qua mà cây cầu ý nghĩa của Hà Nội vẫn chưa được khởi công.



Trước sự chậm trễ của dự án, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án cầu Nhật Tân, một trong những công trình trọng điểm của thủ đô Hà Nội sẽ phải khởi công vào đúng ngày 2/9/2008. Thế nhưng, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan hứa quyết tâm khởi công dự án vào ngày 15/1/2009.



Đến thời điểm hiện tại mặc dù vào ngày 14/1/2009, UBND huyện Đông Anh đã chính thức bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án cầu Nhật Tân và tuyến tránh hai bên đầu cầu phía Đông Anh và mặt bằng trên cũng được xác định là địa điểm để khởi công dự án, nhưng Bộ GTVT vẫn chưa khởi công xây dựng công trình.


…Vì nhiều lý do



Theo ông Nguyễn Thanh Vân, trưởng Ban Điều hành dự án cầu Nhật Tân: Dự án chậm là do công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định gây sự chậm trễ cho toàn bộ dự án. Theo khảo sát của Ban quản lý dự án tả ngạn thuộc UBND TP Hà Nội, để thực hiện dự án này phải giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho khoảng 650 hộ dân và 4 cơ quan của phía bờ Nam thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; khoảng 100 hộ dân và 3 cơ quan của phía bờ Bắc, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Ngoài ra do đặc thù của các dự án vay vốn ODA là rất lớn nên tất cả mọi công việc như thẩm tra, thẩm định, phê duyệt đấu thầu mất nhiều thời gian hơn so với các dự án dùng vốn trong nước….



Hơn nữa, dự án này cũng không thể tiến hành triển khai từng phần như các dự án trong nước mà phải tiến hành đồng bộ tất cả các gói thầu theo đúng trình tự và yêu cầu của nhà tài trợ Nhật Bản. Do vậy, dù có được mặt bằng mà các công tác thẩm tra, thẩm định dự án chưa hoàn tất cũng không thể thi công và ngược lại. Thêm vào đó, từ đầu năm 2008, do diễn biến thị trường trong nước có những biến động khôn lường, dự án này lại có tỷ trọng thép lớn, khối lượng máy móc cơ giới thi công phải huy động nhiều nên việc đấu thầu cũng khó tiến hành sớm vì các nhà thầu vẫn đang muốn nghe ngóng tình hình để có thể tính toán, bỏ thầu với mức giá hợp lý.



Ngoài ra, theo thiết kế ban đầu, phần đường dẫn cầu Nhật Tân phía bờ Bắc sẽ nối với quốc lộ 3 cũ. Tuy nhiên tháng 3/2008, Chính phủ có chỉ đạo nối tuyến cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, nên Bộ GTVT chỉ đạo điều chỉnh lại phần dự án. Việc điều chỉnh thiết kế này dẫn đến các công việc khác phải làm lại toàn bộ cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.


 


 


Ngoài gói thầu tư vấn thiết kế, giám sát, dự án cầu Nhật Tân gồm 3 gói thầu xây dựng. Gói thầu số I thi công cầu chính dây văng và một phần đường dẫn phía bờ Bắc, thuộc huyện Đông Anh. Gói thầu số II bao gồm thi công cầu và đường dẫn phía bờ Nam thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Gói thầu số III là thi công toàn bộ phần đường dẫn phía bờ Bắc tại xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh).



Thành Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *