“Phút 89” cưỡng chế, dân nhà nguy hiểm “cầu cứu” luật sư





 – Bị yêu cầu ra khỏi nhà trước 25 Tết Kỷ Sửu, rồi đúng 26 Tết bị cắt hoàn toàn điện, nước, hơn 1/3 tổng số hộ dân chung cư C7 Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đang “mấp mé bên bờ” cưỡng chế vừa cầu viện đến sự hỗ trợ của các luật sư…








Đơn thư của dân C7 Giảng Võ gửi khắp nơi, đòi hỏi công bằng (Ảnh: T.M).


Di dân C7 bất thành, UBND TP Hà Nội vừa ra văn bản coi việc này là một trong những hạn chế, yếu kém cần khắc phục ngay, cho rằng: “Công tác di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm C7 Giảng Võ được Thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng qui định. Song, một bộ phận công dân đã không chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật và Thành phố“.


Nhưng điều gì đã khiến nhiều hộ dân C7 “chấp hành không nghiêm“? Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ lập tức vào cuộc. Ngay sau đó, hàng chục Đơn kiến nghị bãi bỏ khẩn cấp Quyết định 1286/QĐ-UBND ngày 15/10/2008 của UBND TP Hà Nội (về việc áp dụng biện pháp di dời các hộ gia đình đang sống trong chung cư nguy hiểm C7 Giảng Võ) với chữ ký của các hộ dân đã được gửi tới đông đảo đại biểu quốc hội.


Cùng với đó, Đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng đã được soạn, yêu cầu hủy ngay Quyết định do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi ký thay Chủ tịch (kể trên).


“Nhân đạo” hay “làm ăn”?


Theo quan điểm của TS luật Cù Huy Hà Vũ (được sự đồng tình của nhiều hộ dân), khi UBND TP Hà Nội ghi rõ trong Quyết định 1286 (kể trên) rằng việc di dân C7 “để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người sử dụng“, có nghĩa việc di dời khỏi nhà nguy hiểm là nhằm mục đích nhân đạo. Thế nhưng, vấn đề ở đây là “nếu vì lý do nhân đạo thì UBND TP phải di dời, tạm cư các hộ và phá dỡ chung cư C7 bằng ngân sách thành phố chứ không thể bằng vốn của Công ty CP Tư vấn Handic“.


19/47 chủ sở hữu nhà ở hợp pháp tại C7 Giảng Võ đã cùng ký đơn nhận định động thái bắt họ di dời của UBND TP Hà Nội “nhằm mục đích kinh doanh, làm ăn là chính và nhân đạo chỉ là cái cớ“.


Sở dĩ họ đi đến tiếng nói chung như vậy vì lập luận: Căn cứ để ban hành Quyết định di dời là Kết luận của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá chung cư C7 nguy hiểm cấp D từ tháng 8/2007, song trước đó 41 tháng UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP đầu tư thương mại ASEAN làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng lại chung cư này, và đề nghị giao Công ty Handic (kể trên) tiếp tục triển khai các thủ tục dự án!?


Do đó, đông đảo hộ dân tại đây cho rằng việc UBND TP Hà Nội di dời họ ra khỏi chung cư C7 “chỉ là một khâu của qui trình thực hiện dự án xây dựng lại chung cư này mà chính UBND TP đã tự lập ra cùng các doanh nghiệp“. Nói kiểu dân gian là “sinh con rồi mới sinh cha” – Thành phố “cho” Handic đất C7 rồi mới thông báo các chủ sở hữu chung cư “việc đã rồi” và để sớm di dời, C7 được giám định, ra kết luận là “nguy hiểm”!


Tin rằng đây là “chuyện làm ăn”, người dân hiểu theo lẽ thường, nếu doanh nghiệp góp vốn bằng tiền thì các chủ sở hữu căn hộ cũng đang phải góp bằng tài sản hợp pháp (ở đây là 67% giá trị quyền sử dụng đất và 65% giá trị nhà) của họ – và vì vậy không ai có quyền “áp đặt” cho ai, nhất thiết phải có sự bàn thảo công khai, minh bạch.








Bị cắt điện thì dùng nhờ các khu nhà lân cận, dân C7 vẫn nhất định không di chuyển dù nhiều “hạn chót” đã được ấn định! (Chụp tối 2/2/2009 – Ảnh: T.M)


Chung cư C7 “tị” với B6 cùng khu Giảng Võ!


Nhiều người dân C7 còn đưa ra cứ liệu để so sánh: Cùng một chủ trương cải tạo chung cư cũ của Chính phủ, cùng một Qui chế cải tạo chung cư của Thành phố Hà Nội, cùng quận Ba Đình, cùng phường Giảng Võ, cùng tọa lạc sát trục đường lớn, cùng được kết luận “nguy hiểm cấp D” bởi cùng một cơ quan chuyên môn (thậm chí B6 Giảng Võ còn “lĩnh án” nguy hiểm trước C7 Giảng Võ gần 1 năm) – song đến giờ phút này dân B6 Giảng Võ vẫn điềm nhiên an cư, lạc nghiệp!


Dân C7 viết: “UBND TP Hà Nội phân biệt đối xử với các hộ gia đình chúng tôi. Ngay với việc cắt điện, cắt nước của chúng tôi cho dù Tết chỉ còn cách có vài ngày, trong khi quan hệ giữa các hộ dân và doanh nghiệp kinh doanh điện, nước là quan hệ hợp đồng, quan hệ dân sự giữa 2 bên – B6 Giảng Võ cũng bị đánh giá là chung cư nguy hiểm nhưng UBND TP Hà Nội đã không chỉ đạo chính quyền cấp dưới cắt điện, nước, cũng như đã không cưỡng chế các hộ gia đình đang sống tại đó di dời như đã, đang hành xử với C7 chúng tôi“.







TIN LIÊN QUAN


  • Tết bất an giữa Hà thành, có nhà mà như… lang thang
  • Chung cư sắp sập vẫn chờ… họp?!
  • Nhiều cơ quan đề nghị đấu thầu nhà B6 Giảng Võ
  • “Nhà nguy hiểm không phải thương vụ cò kè, mặc cả”
  • Chung cư nguy hiểm: Chúng ta sẽ bị động trước thảm họa?

“Tị” với các hộ dân của khu B6 Giảng Võ được “tự mình lựa chọn doanh nghiệp phá dỡ, xây dựng lại chung cư của họ“, bà Phạm Ánh Hồng ở phòng 103 C7 nói: “Chúng tôi cũng muốn được tự lựa chọn chủ đầu tư phá dỡ, xây nhà của chúng tôi như B6 Giảng Võ gần đây. Tại sao với B6 Giảng Võ, dân và doanh nghiệp tự tìm đến với nhau, tự làm việc với nhau, tự tổ chức họp với nhau không cần thông qua chính quyền quận, phường – Thành phố chấp nhận cách làm này, mà với C7 Giảng Võ chúng tôi lại không được thế? Handic chỉ họp với quận, phường, tổ trưởng… nhưng tổ trưởng đâu có đại diện được cho toàn bộ chúng tôi?“…


Được biết, hay tin các hộ dân B6 Giảng Võ đang được “hứa” một mức đền bù, hỗ trợ hấp dẫn nên không ít hộ dân C7 đang như “đứng đi trong lửa, nằm ngồi trong than”! Chị Nguyễn Thanh Tâm phòng 204 C7 Giảng Võ thắc mắc: “Phải chăng Thành phố Hà Nội chưa thể duyệt cho dân B6 di dời vì sợ C7 chúng tôi thấy bên ấy được đền bù nhiều quá sẽ càng đòi hỏi mà không chịu chuyển đi, nên mới quyết đẩy chúng tôi đi trước rồi mới duyệt cho B6 đi sau, dù cả hai bên cùng nguy hiểm chẳng kém gì nhau?”!


Đưa ra những kiến nghị này, hơn 1/3 tổng số chủ hộ hợp pháp tại C7 Giảng Võ kết luận: Chỉ các hộ gia đình chúng tôi mới có quyền lựa chọn doanh nghiệp xây dựng lại chung cư của mình (như tình hình dự án B6 Giảng Võ đã được Thành phố chấp thuận). Và tất nhiên, khi đã lựa chọn thì hay – dở thế nào các hộ sẽ tự chịu trách nhiệm. Để thực hiện như vậy, theo những người kiến nghị – thậm chí còn phải hủy một vài điều trong Qui chế cải tạo chung cư số 48/2008/QĐ-UBND!




  • Nhóm PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *