Trang chủ » Chưa thống nhất trong quản lý tài nguyên nước

Chưa thống nhất trong quản lý tài nguyên nước

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Đây là thực trạng đã và đang diễn ra tại một số địa phương trong cả nước, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước. Mặc dù được giao nhiệm vụ và chức năng này, nhưng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đều bị các địa phương, cấp, ngành “phớt lờ” hoặc “qua mặt”, nên hầu như không nắm được nhu cầu sử dụng tài nguyên nước của các ngành.

Điển hình là việc tiếp nhận hồ sơ xin phép xả nước thải vào nguồn nước để cấp phép hiện vẫn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện. Như vậy, hoàn toàn trái với qui định tại Điều 14, Nghị định 149 ngày 27/7/2004 của Chính phủ về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và Thông tư hướng dẫn 02 ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện lĩnh vực này chưa được quản lý một cách thống nhất theo qui định của pháp luật về thủ tục hành chính, thẩm quyền cấp phép…khiến cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ càng không được quan tâm. Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển thủy lợi, thủy điện và thiết kế xây dựng các công trình hồ đập, ban hành quy chế vận hành… cũng do các ngành tự thẩm định, phê duyệt mà rất ít hoặc không có sự tham gia của cơ quan quản lý tài nguyên nước. Theo quy định của Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ thì việc xin phép, cấp phép thực hiện trong giai đoạn thực hiện đầu tư, song thực tế đến giai đoạn này các nội dung liên quan đến vị trí, quy mô khai thác nước và các thông số kỹ thuật thiết kế, vận hành công trình liên quan đến nguồn nước đã được quyết định, phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền. Do vậy, việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước khó có thể đưa ra các điều kiện khả thi của giấy phép.

Cùng với những tồn tại này, hệ thống pháp luật về tài nguyên nước cũng chưa hoàn chỉnh và đủ mạnh (còn thiếu nhiều nội dung về cơ chế chính sách, nhất là chính sách tài chính, chế tài xử phạt, trách nhiệm không rõ ràng…). Hầu hết các lưu vực sông, các địa phương chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước tại nhiều địa phương thiếu và yếu cả về số lượng và nghiệp vụ, chuyên môn cũng như các trang thiết bị cần thiết cho công tác quản lý, giám sát. Đặc biệt, tài liệu lập bản đồ địa chất thủy văn, đánh giá nguồn nước dưới đất mới chủ yếu ở tỷ lệ nhỏ và lập được cho các khu vực đô thị, khu tập trung phát triển kinh tế. Trong khi đó, các bản đồ trước đây đều lập theo mảnh khu vực, chưa lập theo lưu vực sông và theo địa phương, nên các địa phương chưa có bản đồ nước dưới đất. Đó là chưa nói đến phần lớn các tỉnh, thành phố không có quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ nước dưới đất.

Tình hình nhiễm bẩn, ô nhiễm cạn kiệt nguồn nước và xu hướng diễn biến tài nguyên nước cũng như trữ lượng khai thác nước dưới đất ở các vùng của nước ta chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ. Đây chính là tác nhân gây khó khăn trong quá trình cấp phép khai thác, sử dụng và định hướng cho công tác bảo vệ nguồn nước dưới đất.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.