Từ 1.5, nếu có quyết định đình chỉ thi công của cấp có thẩm quyền mà chủ đầu tư vẫn tái phạm, thì tuỳ theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300 – 500 triệu đồng. Đây là nội dung chính của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Theo đó, các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, ngoài phạt tiền, có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.
Chủ đầu tư tự thực hiện khảo sát xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực, không thực hiện giám sát khảo sát xây dựng, hoặc không tổ chức nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng, sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Nhà thầu, nếu vi phạm: nghiệm thu khống, tổ chức bàn giao công trình cho chủ sở hữu, sử dụng công trình khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định, báo cáo tài liệu, số liệu khảo sát không trung thực, không đúng quy định dẫn tới điều chỉnh thiết kế hai lần trở lên, bị phạt từ 80 – 100 triệu đồng.
Hành vi bán, cho thuê mua bất động sản thuộc diện phải qua sàn giao dịch bất động sản mà không thông qua sàn; kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện bị phạt từ 60 – 70 triệu đồng.
Chủ đầu tư không dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, không đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo đúng dự án đã được phê duyệt… sẽ bị phạt từ 40 – 50 triệu đồng.
Nghị định quy định phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng không có tiêu chuẩn chất lượng hoặc không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn công bố.
PV