|
Chính phủ vừa ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng mới được ban hành, liên quan nhiều tới giao dịch bất động sản.
*
– Ông Vũ Xuân Thiện: Theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS qua sàn giao dịch BĐS. Do vậy, về lâu dài, tất cả các giao dịch BĐS đều phải qua sàn giao dịch nếu không sẽ phạm luật và đương nhiên sẽ phải chịu sự chi phối của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng vừa được ban hành. Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống, sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể để áp dụng. Trước mắt, sẽ tập trung vào BĐS dự án và của doanh nghiệp.
* Nhưng khái niệm “kinh doanh” hay “không kinh doanh” là rất khó phân biệt, nếu không nói rõ hơn, rất có thể sẽ gây tâm lý ngại giao dịch, thưa ông?
– Quy định là vậy nhưng phải xem xét từng trường hợp cụ thể để làm rõ hoạt động kinh doanh BĐS hay không. Người dân có quyền được mua và được bán nhiều căn hộ, không có giới hạn. Việc này chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước như cơ quan thuế, sở tài nguyên và môi trường… có trách nhiệm làm rõ.
* Ngoài việc bị phạt tiền, trường hợp cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần có bị rút giấy phép hoạt động không, thưa ông?
– Quá trình xử lý vi phạm ngoài phạt tiền, các doanh nghiệp, cá nhân cũng phải thực hiện ngay các quy định bắt buộc khác theo luật định. Và việc vi phạm kéo dài cũng có thể tiến hành rút giấy phép hoạt động.
* Nhà nước nói “khuyến khích người dân giao dịch qua sàn”, vậy người mua – bán có lợi gì khi thực hiện điều này?
– Việc giao dịch BĐS qua sàn có lợi cho cả người bán, người mua, người đi thuê và người cho thuê BĐS. Tại sàn giao dịch, người mua có nhiều điều kiện lựa chọn món hàng phù hợp và người bán cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều người có nhu cầu. Mọi giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn giao dịch sẽ giúp cho thị trường BĐS trở lên minh bạch, không bị méo mó do đầu cơ và phát triển đúng hướng.
* Nhiều người có ý định mua – bán qua sàn nhưng lại lo phí giao dịch cao hoặc thủ tục phiền hà?
– Người dân sẽ không lo ngại việc này. Sàn giao dịch BĐS sẽ đại chúng hơn rất nhiều so với sàn chứng khoán. Do vậy, các sàn giao dịch sẽ phải cạnh tranh và đưa ra mức phí hợp lý để thu hút người tham gia giao dịch và mức phí sẽ rất thấp. Về mặt thủ tục, sẽ rất đơn giản chỉ là thủ tục đăng ký.
* Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 song thực tế là tình trạng giao dịch ngầm vẫn phổ biến?
– Đúng là như vậy. Hiện về quy định pháp luật đã đồng bộ và đủ cơ sở để thúc đẩy giao dịch BĐS minh bạch. Nhưng vấn đề là ý thức của người dân đối với hoạt động này chưa cao. Tất nhiên, quy định pháp luật cũng cần có thời gian, không thể một sớm, một chiều là chuẩn hóa ngay được. Khi thị trường BĐS phát triển hơn nữa, đồng hành cùng sự phát triển của các sàn giao dịch thì người dân sẽ tự nguyện tham gia vào quá trình minh bạch trong giao dịch.
Theo NLĐ