TT – TP Cần Thơ vẫn đang phải đối diện với tình cảnh ngập, nghẹt khi mưa lớn hoặc lúc thủy triều dâng.
Đại lộ Hòa Bình thường ngập nặng khi mưa lớn – Ảnh: Quỳnh Thư |
Theo Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, chỉ tính riêng trong năm 2008 TP Cần Thơ có 21/81 tuyến đường tại trung tâm TP Cần Thơ bị ngập lụt do triều cường, trên mười tuyến ngập, nghẹt do mưa, trong đó có nơi ngập sâu trên 30cm. Nhiều con đường chính tại trung tâm TP như đại lộ Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Ngô Hữu Hạnh, Ngô Quyền, Xô Viết Nghệ Tĩnh… thường xuyên “biến thành sông” khi mưa lớn hoặc lúc triều cường dâng cao.
Trong khi đó, chỉ tính riêng hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy hiện có 90.000m cống thoát nước với trên 50 cửa xả tại các kênh rạch, mương thoát nước. Dự án nâng cấp đô thị TP đã nâng cấp, lắp đặt cống thoát nước tại 64 tuyến hẻm, dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt lắp 23.000m đường cống thoát nước cỡ lớn tại một số tuyến đường chính trong TP. Vì sao đầu tư nhiều như vậy mà TP Cần Thơ vẫn rơi vào tình trạng ngập?
Đường ngập, hẻm cũng ngập
Bà Nguyễn Thị Hồng sống tại đại lộ Hòa Bình phản ảnh: “Dù là con đường chính trong nội ô TP đã được nâng cấp nhưng đại lộ Hòa Bình vẫn ngập khi mưa lớn”. Nhiều hộ dân sống tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ngô Hữu Hạnh, Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều) nói rất ngại khi ra đường sau mỗi cơn mưa lớn bởi đường ngập lênh láng và tanh mùi nước cống.
Không chỉ tại các đường phố chính, hàng trăm con hẻm ở TP Cần Thơ cũng đang chịu cảnh ngập, nghẹt kéo dài với mức độ “thê thảm” do hệ thống thoát nước (HTTN) không được đầu tư đồng bộ và tình trạng xây cất không theo quy hoạch, làm nhiều rạch tiêu thoát nước bị “xóa sổ”. Theo bà Minh (hẻm 1 đường Lý Tự Trọng): “Mỗi khi mưa lớn chúng tôi và nhiều hộ dân khác phải chuẩn bị bao cát để ngăn nước tràn vào nhà”. Một hộ dân tại hẻm 286 đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Bình Thủy chỉ nói ngắn gọn: “Mưa lớn, tụi tui sống chung với ngập, quen rồi”.
Chậm thực hiện quy hoạch
Ông Trần Kiều Định, chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ, cho rằng khi đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế để phấn đấu hằng năm, chính quyền TP Cần Thơ thường chú trọng các chỉ tiêu phát triển thương mại – dịch vụ, công nghiệp… nhưng ít quan tâm đến chỉ tiêu hạn chế ngập nước đô thị.
Bà Võ Thị Hồng Ánh – phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ – phản ảnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2025 (trong đó có quy hoạch tổng thể HTTN) đã được công bố từ năm 2006, nhưng quy hoạch chi tiết đến nay vẫn chưa được lập. Theo bà Phan Thị Thiên – phó giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, quy định về quản lý HTTN đô thị TP cũng chưa có nên việc quản lý đấu nối HTTN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý kênh rạch và HTTN chưa chặt chẽ, tình trạng lấn chiếm kênh rạch, vứt rác bừa bãi xuống cống rãnh ngày càng tăng làm hạn chế dòng chảy…
Theo bà Thiên, kinh phí phục vụ việc nạo vét các kênh mương còn hạn chế nên khi mưa lớn, triều cường lên thì nước tại các kênh rạch luôn cao hơn mực nước ở các cửa xả khiến tiêu thoát nước chậm, gây tình trạng ngập, nghẹt nhiều nơi.
Phải có quy hoạch chi tiết thoát nước
Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, việc xử lý các điểm ngập đột xuất hiện nay phải thông qua nhiều khâu thủ tục mới được triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tuấn – trưởng Phòng quản lý đô thị quận Bình Thủy – phản ảnh: “Muốn nạo vét cống rãnh một tuyến đường, Phòng quản lý đô thị phải tham mưu cho UBND quận, UBND quận phải gửi văn bản cho Sở Xây dựng, sau đó Sở Xây dựng mới chỉ đạo thực hiện, mất rất nhiều thời gian”.
Ông Tuấn đề xuất nên giao về quận huyện quản lý như công tác vệ sinh môi trường. Còn theo bà Phan Thị Thiên, TP nên sớm có quy định về quản lý HTTN đô thị, thời gian qua việc tập trung nạo vét để giải quyết thực trạng chống ngập chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
Ông Trần Tuấn Anh, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng nhất thiết phải có quy hoạch chi tiết HTTN đô thị. Theo ông Trần Tuấn Anh, trước mắt công tác duy tu, nạo vét cống rãnh phải được tập trung thực hiện cho cả những con hẻm chứ không chỉ tại các tuyến đường. Bên cạnh công tác phân cấp quản lý cho địa phương, các sở ngành cần có hướng dẫn việc sử dụng cũng như phân bổ kinh phí cho địa phương thực hiện.
Tại hội thảo “TP Cần Thơ và biến đổi khí hậu” vừa được tổ chức ở Cần Thơ, bà Vương Thị Lập – thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ – đề xuất nhiều giải pháp chống ngập.
Theo bà Lập, ngoài việc nâng cấp một số tuyến đường có cao trình thấp cho phù hợp với quy hoạch chung, tại đầu ra các cống thoát nước khu vực nội ô nên bố trí thêm các nắp van với tác dụng đậy cửa cống khi thủy triều dâng và mở cửa cống để tiêu thoát nước khi nước rút. Đồng thời nên nghiên cứu xây dựng một số trạm bơm tiêu với công suất thích hợp để hỗ trợ việc tiêu thoát nước, xây dựng hệ thống cống tiêu thoát nước tại khu vực các phường Tân An, An Phú, An Nghiệp… đổ ra hồ Xáng Thổi (đang được cải tạo, nâng cấp từ dự án nâng cấp đô thị), đặt tại hồ Xáng Thổi một trạm bơm tiêu có công suất lớn để bơm tiêu lượng nước đổ ra rạch Cái Khế…
THANH XUÂN – QUỲNH THƯ