Chiều qua 06-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 2 dự án Luật: Quy hoạch đô thị và Quản lý nợ công. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất chính là chức danh Kiến trúc sư trưởng (KTST) và Hội đồng kiến trúc quy hoạch được quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thọ – Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội góp ý: “Quy định về chức năng, quyền hạn của 2 chủ thể KTST và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch (HĐKTQH) đều chưa rõ ràng. Hà Nội hiện đã có Sở QH-KT và Viện Quy hoạch, nếu thêm KTST thì phân định thế nào?”. Cũng với quan điểm tương tự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Kiên Đĩnh nhắc mọi người nhớ lại việc cách đây 17 năm, Hà Nội đã có KTST. ý định ban đầu là chức danh cá nhân song loay hoay sau đó KTST lại thành một tổ chức. Các nước hiện nay đều áp dụng mô hình KTST là chức danh cá nhân, một “ông thầy” rất giỏi chuyên môn – làm tư vấn cho Chủ tịch UBND TP. “Nay, nếu quy định Hội đồng KTQH và KTST với nhiệm vụ na ná nhau. Một bên là cá nhân, một bên là tập thể nhà khoa học. Hai bên đều tư vấn, tham mưu. Trường hợp ý kiến khác nhau thì Chủ tịch UBND TP nghe ai?” – ông Đĩnh nêu vấn đề.
Ở góc độ nhà chuyên môn, KTS Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở QH-KT, cho rằng việc đặt “cứng” chức danh KTST vào luật là “phiêu lưu”. Ông Tuấn lập luận: “Hà Nội đã từng thí điểm mô hình KTST trong 10 năm (1992-2002) rồi xóa bỏ vì hiệu quả không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nay, mô hình cũ chưa tổng kết, đánh giá, chưa cải tiến đem lặp lại là thiếu cơ sở. Nếu có đưa vào chăng nữa, phải khác hẳn mô hình trước. KTST không tham gia quản lý Nhà nước mà chỉ là chức danh cá nhân, tư vấn cho Chủ tịch UBND TP”. Cũng lo ngại sự chồng chéo khi tái lập KTST ở Hà Nội, ông Tô Anh Tuấn giải thích: “Hiện thành phố đã có 3 cơ quan liên quan tới quy hoạch – kiến trúc (Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Viện Quy hoạch), nếu thêm một KTST, sẽ phối hợp thế nào để không chồng chéo”. Đối với công tác tổ chức xây dựng quy hoạch, dự thảo luật quy định, tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM… Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan nhận trách nhiệm lập quy hoạch. Các đại biểu cho rằng, quy định này là chưa phù hợp. KTS Tô Anh Tuấn phân tích thêm: “Nên giao cho địa phương làm vì hơn ai hết chỉ có thành phố mới hiểu rõ tình hình thực tế cũng như nhu cầu phát triển của địa phương. Từ đó, mới có được định hướng quy hoạch hiệu quả, khả thi nhất. Trường hợp địa phương không đủ năng lực làm quy hoạch, hoàn toàn có thể thuê tư vấn, thậm chí tư vấn nước ngoài để có được quy hoạch tốt nhất…”. Tổng hợp các ý kiến, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho biết, quan điểm của thành phố là chưa nên đưa quy định cứng về chức danh KTST trong luật trong khi chưa có đánh giá khách quan, chính xác về mô hình đã từng thí điểm 10 năm ở Hà Nội. Các nhiệm vụ, chức năng của KTST sẽ chuyển giao cho Hội đồng Kiến trúc quy hoạch đảm đương. Liên quan tới thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch, bà Ngô Thị Doãn Thanh nhất trí với các ý kiến “không nên quy định như dự thảo mà nên giao cho chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch mới có thể đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch”.
Về vấn đề này, trao đổi với PV baoxaydung.vn sáng nay 07/3, Tiến sĩ KTS Đỗ Tú Lan, Cục phó Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: Đây là vấn đề đã được bàn thảo nhiều trong quá trình bàn thảo Luật Quy hoạch đô thị. “Với những đô thị đặc biệt mang tầm Quốc gia và Quốc tế như Hà Nội, TP.HCM… đã đang và sẽ có rất nhiều chương trình phát triển đô thị lớn. Vì vậy đương nhiên việc lập Quy hoạch phải do Chính phủ chỉ đạo và Bộ Xây dựng là cơ quan trực tiếp thực hiện việc lập quy hoạch quan trọng này. Trong quá trình làm quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành phố để có thể thực hiện công việc này một cách tốt nhất…” TS Tú Lan khẳng định. |
Đại biểu QH Hà Nội quan tâm đến Luật Quy hoạch đô thị
3