Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất xử lý ô nhiễm môi trường


UBND TP vừa có Thông báo số 84/TB-UBND, về việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn theo Quyết định số 64/2003, của Thủ tướng Chính phủ.


Theo báo cáo, đến nay, Hà Nội đã xử lý được 17 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, còn 8 đơn vị chưa xử lý xong và chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là 8 đơn vị này chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện. Một số cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của thành phố và địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên giám sát, đôn đốc việc xử lý các đơn vị gây ô nhiễm, chưa tích cực chủ động thông tin, tham mưu UBND TP chỉ đạo thực hiện.



Để khẩn trương xử lý dứt điểm, triệt để các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009, UBND TP yêu cầu: Các đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp, công việc để hoàn thành việc di dời, lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường theo đúng quy định. Cụ thể, Công ty CP cồn, rượu Hà Nội di dời xong trong quý III/2009; Liên doanh vật liệu xây dựng Sung Gei Way di dời xong trong năm 2009; Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội di dời nhà máy dệt nhuộm Đanin xong trước 30/6/2009; Công ty TNHH NN một thành viên Dệt 8/3 di dời xong trong năm 2009; Công ty CP cồn, giấy, rượu Hà Tây (đang tạm dừng hoạt động) phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định về bảo vệmôi trường trước khi hoạt động trở lại; Bãi rác Kiêu Kỵ (thuộc quản lý của Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm) hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trong năm 2009; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Đống Đa (thuộc Sở Y tế) hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trong năm 2009.



Việc di dời hoặc xây dựng, lắp đặt các hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường phải đảm bảo ổn định lâu dài, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật theo quy định. Trong quá trình thực hiện các công việc, biện pháp phục vụ di dời, lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ, cử cán bộ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên bám sát, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của thành phố, cơ sở để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, báo cáo UBND TP giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Các sở, ngành, chính quyền cơ sở cần xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng của Thành phố trong năm nay, để giải quyết triệt để, dứt điểm; vận dụng các chính sách hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định.



Riêng đối với các dự án xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường của bãi rác Kiêu Kỵ và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện Gia Lâm, Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm rà soát, kiểm tra các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định, báo cáo đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện với UBND TP.



UBND TP cũng yêu cầu Sở TN&MT, ngoài việc chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện, phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiền hành rà soát, phân loại toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, báo cáo đề xuất kế hoạch xử lý với UBND TP trong tháng 4 tới.


 



Nguyên Đào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *