Trang chủ » Hà Nội, TP.HCM thất thoát nước sạch gần một nửa

Hà Nội, TP.HCM thất thoát nước sạch gần một nửa











Bục đường ống, nước sạch phụt lênh láng lên mặt đường. (Ảnh:CTV)
Do nhiều nguyên nhân: đường ống cũ, đào đường nhiều làm vỡ ống, ăn cắp nước… nên tỉ lệ thất thoát nước sạch ở Hà Nội và TP.HCM ở mức cao nhất cả nước, khoảng 40%.

 


Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cho hay, hội vừa chỉ thị đến các hội viên (Các công ty kinh doanh nước sạch các tỉnh, thành phố), phấn đấu cho đến hết năm 2009, giảm được tỉ lệ thất thoát nước bình quân xuống mức 30%.


“Một số công ty kinh doanh nước sạch hiện nay đã đưa tỉ lệ thất thoát nước tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới”- ông Tôn nói- “Như tại Bà Rịa-Vũng Tàu hay Huế lượng nước thất thoát chỉ là 14%; Bình Định khoảng 16%”.


 


Ngoài ra còn có khoảng 20 công ty kinh doanh nước sạch đăng ký đưa tỉ lệ thất thoát nước sạch xuống dưới 20%. Ông Tôn nhấn mạnh: “Tính bình quân cả nước, con số này vẫn là 32%, bởi vì các tỉnh không gánh nổi cho Hà Nội và TP.HCM”.


 


Chỉ tính riêng sản lượng nước của TP.HCM đã chiếm khoảng 1/3 so với toàn quốc, còn nếu gộp cả Hà Nội vào thì sản lượng nước của 2 thành phố lớn này chiếm gần phân nửa sản lượng nước toàn quốc.


 


Cả 2 thành phố đều có mức thất thoát nước trên dưới 40%, nên đã kéo mức thất thoát bình quân toàn quốc lên khá cao. “Trên thế giới, các nước tiên tiến có tỉ lệ thất thoát nước sạch trung bình khoảng 15%; các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng giao động trong khoảng từ 20-30%; thất thoát cao nhất là ở Philippin-tới 60%”- ông Tôn so sánh.


 


Nguyên nhân đầu tiên của việc thất thoát nước sạch là do đường ống cũ. Hiện ở cả 2 thành phố còn có đến khoảng 10% các đường ống 30-40 năm tuổi. Tại Hà Nội, số đường ống cũ này nằm chủ yếu ở khu vực phố cổ.


 


Ông Tôn cũng cho hay, việc cải tạo những đường ống này là rất phức tạp, tốn kém. Hầu như không thể cải tạo toàn tuyến mà chỉ sửa được từng điểm đường ống bị bục.


 


Một nguyên nhân khác là do nạn đào đường tràn lan, thi công các công trình xây dựng cũng gây vỡ đường ống cấp nước; hay nạn ăn cắp nước sạch cũng góp phần làm tăng tỉ lệ thất thoát nước.


 


Hiện nay cách ăn cắp phổ biến là khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo đếm. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát nước mà còn gây nguy hại cho đường ống chính, có thể vỡ-rò rỉ…


 


Liên quan đến nước sạch, Hội Cấp Thoát nước Việt Nam cũng đang thúc đẩy các hội viên nhanh chóng mở rộng mạng lưới dịch vụ (mạng đường ống). Thực tế, năng lực sản xuất của các nhà máy còn rất dư thừa song nhiều nơi người dân lại không có nước sạch để sinh hoạt.


 


Ví dụ tại Hà Nội, vừa qua Vinaconex đã bán cho địa phương này Nhà máy nước sông Đà có công suất 300.000m3/ngày đêm, nhưng Hà Nội chỉ có thể sử dụng khoảng 1/3 công suất vì thiếu mạng đường ống liên hoàn dẫn xuống các khu dân cư.


 


Trong khi đó, nước tại một số khu vực thuộc quận Hoàng Mai và Thanh Xuân vẫn rất khó khăn; hay khu vực giáp ranh với TP.Hà Đông cũng thiếu nước.


 


Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác ngoài việc các công ty kinh doanh nước sạch phải bỏ tiền đầu tư: từ tích luỹ giá nước hoặc được nhà nước cho vay vốn ban đầu. Theo tính toán, để xây dựng một mạng đường ống chuẩn, Hà Nội cần tới hàng nghìn tỉ đồng.



Theo VNN

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.