Trong hai ngày 16 và 17-3-2009, lễ hội kỷ niệm 125 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế (16-3-1884–16-3-2009) được tổ chức tại khu di tích Phồn Xương, thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tôn vinh giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Khu di tích lịch sử văn hóa về cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia.
Lịch sử cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Cách đây 125 năm (ngày 16-3-1884), thực dân Pháp sau khi đánh chiếm thành Tỉnh Đạo (nay thuộc xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) tiếp tục kéo quân về Thái Nguyên. Đến Đức Lân – một địa danh thuộc tỉnh Thái Nguyên, kề huyện Yên Thế, chúng đã bị nghĩa quân Yên Thế do vị thủ lĩnh Lương Văn Nắm (Đề Nắm) chỉ huy chặn đánh.
Cùng ngày, nghĩa quân Yên Thế đã rút về Đình Hả (nay thuộc xã Tân Trung, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sau khi thủ lĩnh Đề Nắm qua đời (năm 1892), Hoàng Hoa Thám (Đề Thám) đã thay ông làm thủ lĩnh chỉ huy nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884-1913). Đây là một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử Việt Nam và là một phong trào yêu nước tiêu biểu nhất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Khu di tích lịch sử văn hóa khởi nghĩa Yên Thế
Khu di tích lịch sử văn hóa cuộc khởi nghĩa Yên Thế là một quần thể các di tích nằm trên địa bàn thị trấn Cầu Gồ-trung tâm huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Những đường phố trong thị trấn-căn cứ của nghĩa quân năm xưa nay được đặt tên: phố Hoàng Hoa Thám, phố Bà Ba (bà Ba Cẩn, vợ ba Đề Thám), phố Cả Trọng, Cả Dinh (các con của Hoàng Hoa Thám), phố Đề Nắm (một vị tướng nghĩa quân) …
Nằm trên một ngọn đồi cao là đền Thề, nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp. Trong đền có tượng thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Phía sau đền Thề là Nhà trưng bày các hình ảnh và hiện vật của cuộc khởi nghĩa như súng kíp, đạn, gươm, mã tấu… cùng các đồ dùng sinh hoạt như mâm đồng, bình lọ, ấm, chén uống nước… của nghĩa quân.. Trước sân nhà trưng bày là tượng đài lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám và câu nói nổi tiếng của ông: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng” (thư Đề Thám gửi quân Pháp trong trận Hố Chuối – ngày 22-12-1890).
Đối diện với đền Thề là đồn Phồn Xương, có bức tường thành dài đắp bằng đất và hàng lỗ châu mai. Đồn được Hoàng Hoa Thám cho xây dựng năm 1892, trấn giữ con đường độc đạo đi vào căn cứ nghĩa quân. Trước đồn là một hồ nước để bảo vệ mặt tiền đồn. Phía sau đồn nay còn di tích doanh trại, chiến lũy của nghĩa quân.
Gần đồn Phồn Xương có phố Bà Ba – trước kia chính là nơi ở của vợ ba Hoàng Hoa Thám – bà Đặng Thị Nho còn gọi là bà Ba Cẩn – cũng là một tướng tài của nghĩa quân. Nơi đây còn ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế, con gái của Hoàng Hoa Thám.
Lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Năm 1984 – lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức tại đồn Phồn Xương đại bản doanh của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám năm xưa (thị trấn Cầu Gồ – huyện Yên Thế ngày nay). Lễ kỷ niệm này đã trở thành một lễ hội mới: lễ hội Yên Thế. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 16 tháng 3 dương lịch hàng năm lễ hội lại được tổ chức.
Lễ hội Yên Thế gồm hai phần: phần lễ và phần hội diễn ra trong 2 ngày 16,17-3. Phần lễ gồm các hoạt động lễ dâng hương tưởng niệm các nghĩa sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, lễ tế cờ, phóng ngư, phóng điểu, thăm Nhà trưng bày truyền thống tại Khu di tích lịch sử …
Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống kết hợp với hiện đại như: thi mặc trang phục dân tộc đẹp, cắm trại, đốt lửa trại truyền thống, thi văn nghệ giữa các đội văn nghệ quần chúng, cưỡi ngựa bắn nỏ, chọi gà, cờ tướng, cờ người, kéo co, võ dân tộc, bóng bàn, bịt mắt đập niêu…./. |