Bước sang tuổi 60 với gần 15 năm trong ngành nghiên cứu môi trường, GS-TS, Nhà giáo Ưu tú Ðặng Kim Chi vừa vinh dự được trao giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-2009. Có lẽ những người dân sống trong các làng nghề Việt Người dân tại các làng nghề như làng chế biến gỗ Hương Mạc (Bắc Ninh), làng sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái (Hà Tây cũ), làng nghề bún bánh đa Thanh Lương (Hà Tây cũ), làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh)… từ nhiều năm nay đã không còn xa lạ với hình ảnh của người nữ Giáo sư đã luống tuổi lúc nào cũng cặm cụi đo đạc, ghi chép. Nghe tin ở đâu có ô nhiễm môi trường là bà tìm đến. Có lẽ cũng chính vì thế mà nhiều người vẫn thường gọi bà là “bà Chi làng nghề”. GS-TS Ðặng Kim Chi kể: “Do đối tượng trong các đề tài nghiên cứu của tôi là những làng nghề ở nông thôn, nên tôi và các cộng sự đã phải đi khắp nơi. Ði nhiều tôi mới nghiệm ra rằng, dường như chưa đất nước nào có nhiều làng nghề như ở Việt Nam, nhưng người dân ở các làng nghề chưa thấy hết được sự nguy hiểm khi các khu sản xuất gây ô nhiễm được đặt ngay sát với khu dân cư sinh sống. Sự phát triển của làng nghề đã cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại đây, nhưng cũng chính bởi ý thức của người dân mà môi trường làng nghề đang có nguy cơ đứng trước sự báo động ô nhiễm nghiêm trọng”. GS không khỏi đau lòng khi tận mắt chứng kiến những ngôi làng ngày càng mất đi vẻ thanh lặng vì khói bụi, tiếng ồn, rác thải… Vốn là dân chuyên ngành kỹ thuật hóa học, chị đã chuyển hướng vào áp dụng những kiến thức hóa học trong các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường. Quan sát các làng nghề chế biến đồ gỗ, GS. Ðặng Kim Chi từng chứng kiến những người thợ phải hít bụi với khối lượng lớn mỗi ngày. Ngay lập tức, chị cùng các học trò cho ra đời một loại máy hút bụi đặc dụng cho các cơ sở sản xuất gỗ, giúp người thợ không còn phải hít bụi, không lo hắt hơi, sổ mũi, viêm họng. Chiếc máy đầu tiên được đặt thử nghiệm tại một cơ sở của làng Kim Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Hay trước đây, tại các làng nghề sơn mài, khi in phun theo phương thức truyền thống thì mầu của nước sơn mài chỉ có thể khô sau 1-2 tháng. Ðể khắc phục nhược điểm này, người dân làng nghề chuyển sang sử dụng một loại sơn mới của Nhật Bản với thời gian khô mầu rút ngắn còn một đến hai tuần. Tuy nhiên, loại sơn “siêu tốc” ấy khi phun lên sinh ra hơi rất độc. GS. Ðặng Kim Chi lập tức cho ra đời sản phẩm tủ hút mùi, hơi sơn sẽ được lọc qua than hoạt tính, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng… Nhận thức được tầm quan trọng của ý thức người dân trong việc thay đổi thói quen lao động (các khu sản xuất gây ô nhiễm đặt ngay sát với khu dân cư), chị cùng đồng nghiệp đã dày công tiếp tục nghiên cứu hiện trạng của môi trường làng nghề Việt Nam, đưa ra hơn 30 đề tài cấp bộ và bốn đề tài cấp Nhà nước như: Tận thu chất thải công nghiệp (2002 -2006), giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển năng lượng tới môi trường (2005 – 2009)… Các công trình của chị không chỉ nhằm giải quyết vấn đề môi trường, giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu và xử lý chất thải ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế cao như: tái chế giấy, chế biến đồ gỗ, sản xuất thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm. Những mô hình này đã được chị và tập thể các nhà khoa học phổ biến cho bà con triển khai ứng dụng ở một số làng nghề và đem lại hiệu quả cao. Ðặc biệt, các công trình của GS-TS Ðặng Kim Chi đang triển khai tại các làng nghề là mô hình cải thiện môi trường có thể áp dụng cho bốn loại hình làng nghề phổ biến ở Việt Nam là làng nghề tái chế giấy, chế biến đồ gỗ, sản xuất thủ công mỹ nghệ và chế biến lương thực, thực phẩm, đưa ra được một số giải pháp có tính chất định hướng trong việc phòng ngừa, xử lý chất thải phát sinh. Cùng với những thành công trong nghiên cứu khoa học, GS-TS Ðặng Kim Chi còn nổi tiếng là một phụ nữ “đảm việc nhà”. Chị thổ lộ: “Suốt 37 năm tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm công tác quản lý… thì hơn 2/3 quãng thời gian đó tôi vừa cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa làm tròn cả hai vai “người cha, người mẹ” trong gia đình, vì chồng tôi là bộ đội, luôn đóng quân ở xa. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nữ trí thức muốn thực hiện được ước mơ chinh phục đỉnh cao khoa học không chỉ cần lòng say mê nghiên cứu, mà còn phải có nghị lực, ý chí dũng cảm vượt qua khó khăn. Chỉ có như thế mới mang đến thành công cho mỗi người”. Dù có bận đến đâu nhưng về tới nhà, chị vẫn là người vợ, người mẹ, người bà theo đúng nghĩa. Gia đình nội ngoại có công việc hiếu hỷ, chị vẫn vào bếp nấu các món ăn như các gia đình truyền thống Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố là GS-TS Ðặng Vũ Hỷ, một trong bảy vị GS đầu tiên vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, anh trai là Giáo sư – Viện sĩ Ðặng Vũ Minh, niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã nhen nhóm rất sớm trong cuộc sống của GS-TS Ðặng Kim Chi. Ðược đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật môi trường tại Ðức, rồi về công tác tại Ðại học Bách khoa Hà Nội, chị là một trong sáu cán bộ khoa học đặt nền móng xây dựng nên Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo khoa học và công nghệ môi trường trong cả nước. Suốt 37 năm liên tục tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý, Ðặng Kim Chi đã chủ trì và tham gia 35 đề tài, công bố 61 công trình và bài báo khoa học, đồng tác giả một bằng sáng chế độc quyền (về quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm và sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải)… Chị là phụ nữ duy nhất của Việt Nam được nhận “Giải thưởng Môi trường Việt Nam”; được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ðến nay, GS.TS Ðặng Kim Chi đã có 61 công trình khoa học được đăng trong các tạp chí khoa học và chuyên ngành trong và ngoài nước; tham gia viết sách “Việt Nam – Môi trường và cuộc sống”, “Giáo trình Kinh tế chất thải”, và chủ biên cuốn sách “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”. Ðây là những tư liệu quý, được tích lũy cả cuộc đời nghiên cứu của chị, góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông thôn Việt Nam. |
Nữ Giáo sư với “Giải thưởng môi trường Việt Nam”
2