Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Bộ Công thương phải xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa có hiểu biết rộng, vừa chuyên sâu về các lĩnh vực





Sáng 18/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến thăm và làm việc với Bộ Công thương. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Trưởng ban Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Phạm Văn Thọ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Đồng chí Vũ Huy Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương báo cáo với Tổng Bí thư về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành sau khi hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Tổng Bí thư cũng nghe báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, về phát triển thị trường trong nước hai tháng đầu năm 2009; báo cáo về công tác xây dựng Đảng; những kiến nghị về mô hình tập đoàn kinh tế của các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Dệt may và Tổng công ty Xăng dầu…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao những thành tích nổi bật của ngành Công thương trong thời gian qua, nhất là từ sau hợp nhất tháng 7 năm 2007 đến nay, góp phần vào việc ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Với vị trí đặc biệt quan trọng, tạo ra hơn 60% GDP của cả nước, trong thời gian qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ, công chức và công nhân viên chức ngành Công thương đã khắc phục khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng cao về phát triển công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 ước đạt 663,7 nghìn tỉ đồng, gấp gần 1,6 lần so với năm 2005, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2008 đạt 63 tỉ USD, gấp gần hai lần năm 2005. Mạng lưới phân phối hàng hoá, đặc biệt là các hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh đã được quan tâm và góp phần tích cực trong việc đảm bảo cân đối vĩ mô, bình ổn giá trường, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác hội nhập quốc tế cũng có nhiều khởi sắc góp phần vào việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong công tác xây dựng Đảng, Bộ Công thương có rất nhiều cố gắng, truyền đạt kịp thời các Nghị quyết của Đại hội X, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là việc xây dựng các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng, xây dựng các đề án thiết thực và cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Ban cán sự Đảng Bộ Công thương cũng rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức Công đoàn và các đoàn thể quần chúng như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên hoạt động tích cực, có hiệu quả, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ rõ, trước mắt, ngành Công thương còn rất nhiều khó khăn, thách thức; nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành ngày càng nặng nề, nhất là 2009- năm mà nước ta chịu tác động trực tiếp cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đang phải cố gắng thực hiện tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 và 9, Nghị quyết 30 của Chính phủ để ngăn chặn suy giảm kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, nâng cao chất lượng toàn diện nền kinh tế,… Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư rất lưu tâm tới một số thực tế của Bộ Công thương hiện nay là: Bộ nắm giữ và điều hành rất nhiều ngành nghề quan trọng có vai trò then chốt trong sản xuất, phát triển, lưu thông phân phối, tiêu dùng, quản lý thị trường, xuất nhập khẩu, đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Ngoài bộ máy quản lý, Bộ còn có 16 tập đoàn và tổng công ty nhà nước; được giao trọng trách hoạch định và thực thi nhiều đề án quan trọng có tính chất chiến lược và lâu dài của cả nước…

Tổng Bí thư gợi ý, Bộ Công thương cần phải suy nghĩ rất cụ thể và sâu sắc để xây dựng và chỉ đạo thực hiện hiệu quả những đề án có tính chiến lược về các ngành mũi nhọn, đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi ngày càng lớn của đất nước hiện nay cũng như yêu cầu phát triển mai sau. Bộ phải có sự hợp tác chặt chẽ, liên kết rộng rãi và phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các Bộ, ngành, địa phương trong nước và các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Về công tác cán bộ, Bộ phải chăm lo xây dựng và đào tạo một đội ngũ cán bộ vừa có hiểu biết rộng, vừa chuyên sâu về các lĩnh vực mà Bộ đang đảm đương để đáp ứng những yêu cầu trước mắt và những đòi hỏi lâu dài. Cán bộ, đảng viên ngành Công thương phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; vững vàng, kiên định và có bản lĩnh về chính trị, không bị tha hoá trước các cám dỗ; giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; sâu sát cơ sở, sống trong sạch, nhân ái và kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phải giỏi ngoại ngữ và am hiểu về quốc tế và thương mại…

Tổng Bí thư cũng đề nghị Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, kiểm tra và giám sát công tác của Bộ Công thương. Chính phủ cần chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và cụ thể hơn đối với Bộ. Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Công thương cần đổi mới phương thức lãnh đạo; nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ và trách nhiệm của mình để từ đó ra sức học tập, nâng cao trình độ và đoàn kết chặt chẽ, lãnh đạo toàn ngành tiến lên.

Về các kiến nghị của ngành Công thương, nhất là các tập đoàn và tổng công ty, đồng chí Tổng Bí thư đã ghi nhận và giao Văn phòng Trung ương Đảng nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành chức năng tham mưu cho Trung ương xem xét, giải quyết./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *