Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đưa cá ba sa trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước





Ngày 18/3, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đã làm việc với lãnh đạo và doanh nghiệp một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long bàn các giải pháp về sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa.

Với thế mạnh và hiệu quả của nghề nuôi cá tra, trong những năm gần đây loài cá này đã trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia của nước ta, đóng góp 2% GDP của cả nước. Nhóm sản phẩm cá tra càng quan trọng bởi nó chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ bé để nuôi (khoảng 6 nghìn ha mặt nước, bằng 1% diện tích nuôi tôm), tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện diện tích nuôi cá tra tập trung tại 10 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, đạt sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đạt trên 630 nghìn tấn với kim ngạch đạt hơn 1,4 tỷ USD trong năm 2008. Thị trường tiêu thụ cá tra đã được mở rộng và có uy tín ở 130 nước, từ đó hình thành hệ thống nhà máy chế biến các sản phẩm từ cá tra với trên 100 nhà máy, chiếm 1/5 số nhà máy chế biến thủy sản, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng, nghề nuôi cá tra ở nước ta đã là ngành sản xuất quy mô lớn trên thế giới, nhưng vẫn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, trại nuôi không cần đăng ký xin cấp phép, thiếu liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Giống và thức ăn còn có tình trạng thả nổi, giá lại quá cao và phụ thuộc nhiều vào công ty nước ngoài. Chưa có cơ chế để buộc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra hợp tác và phối hợp với nhau về sản lượng, chất lượng, giá cả, hoạt động marketing. Một số doanh nghiệp cố tình hạ thấp giá bán để cạnh tranh chiếm thị trường bằng cách hạ thấp chất lượng sản phẩm, khiến uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho cá tra Việt Nam

Để phát huy hiệu quả nghề nuôi cá tra, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh hướng dẫn người nuôi cá tra không xả trực tiếp nước thải ra sông, tăng cường giám sát và kiểm tra việc tuân thủ qui định điều kiện vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chặt chẽ con giống, thức ăn và các chất xử lý cải tạo môi trường nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thông tin dự báo về giá, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư cho các vùng nuôi tập trung, nâng cao vai trò của Hiệp hội trong việc gắn kết các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ…

Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, mặt hàng cá ba sa là sản phẩm đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung ở ven sông Tiền và sông Hậu và là tiềm năng, lợi thế lớn ở khu vực này. Chỉ sau 10 năm sản lượng nuôi tăng gấp 50 lần, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần… “ Công lao này chủ yếu thuộc về người lao động, thích nghi với cơ chế thị trường cộng với các chính sách của Nhà nước, cá tra đã đóng góp vào phát triển chung của đất nước”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những vướng mắc về quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển về thể chế, cơ chế đến qui hoạch, kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện từ giống, thức ăn, nuôi, chế biến và xuất khẩu. Thiếu liên kết trong “chuỗi” từ sản xuất đến tiêu dùng, không chỉ quản lý nhà nước mà đòi hỏi sự gắn kết giữa các thành phần kinh tế. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành chức năng trong 10 ngày tới phải hoàn thành Đề án sản xuất và tiêu thụ cá ba sa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó phải xác định đây là sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao, đưa cá ba sa trở thành một ngành sản xuất lớn qui mô công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… xây dựng thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước ( hiện cá tra chiếm 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản) gắn với đó là đảm bảo môi trường. Thủ tướng yêu cầu, Đề án phải xác định rõ định hướng qui hoạch, cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành để quản lý nhà nước và hợp tác tốt hơn, đặc biệt là các chính sách đối với thức ăn, người nuôi, chế biến, xuất khẩu…từ đó có chính sách hỗ trợ về thuế, vay vốn, nghiên cứu về giống, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đồng thời xây dựng những qui định chặt chẽ về quản lý chất lượng và môi trường.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thành lập Ban chỉ đạo về sản xuất và tiêu thụ cá tra nhằm thường xuyên họp tháo gỡ những vướng mắc, nhất là các chính sách liên quan đến điều hành từ giống tới nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá tra… Thí điểm và mở rộng quản lý thị trường xuất khẩu, thành lập Hiệp hội nuôi cá ba sa./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *