Khai mạc phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII





Sáng 19/3, phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Cùng dự phiên khai mạc có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện các Ban ngành Trung ương và các Ủy ban của QH.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phiên họp lần này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 – 26/3. Theo chương trình, UBTVQH tập trung vào các nội dung chính: Xem xét, góp ý vào 7 dự án luật chuẩn bị trình kỳ họp Quốc hội sắp tới gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật tần số vô tuyến điện; Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật các vùng biển Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật Cơ yếu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra.

Thực hiện công tác giám sát, UBTVQH dành trọn một ngày tiến hành phần chất vấn, trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Quyết định một số vấn đề theo thẩm quyền, các thành viên UBTVQH cho ý kiến đóng góp về nội dung, chương trình, cách thức đổi mới kỳ họp thứ 5 của QH, dự kiến khai mạc vào ngày 20/5; xem xét lần cuối để thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1157 của UBTVQH quy định một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động QH.

Tại phiên họp, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu tập trung góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Luật Điện ảnh được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Luật Điện ảnh ra đời bước đầu đã có những tác động tích cực trong đời sống điện ảnh nước nhà; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh. Hiện nay, bên cạnh các hãng phim nhà nước đã có gần 20 cơ sở sản xuất phim tư nhân được thành lập. Việc sản xuất phim trong nước được đẩy mạnh, đề tài sản xuất phim đa dạng, phong phú và phù hợp hơn với thị hiếu của đông đảo khán giả trong cả nước. Tuy nhiên, với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không phù hợp với cam kết quốc tế của nước ta trong lĩnh vực này. Qua thực tế 2 năm thi hành, Luật Điện ảnh cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để hoạt động điện ảnh tiếp tục phát triển trong tình hình mới. Vì vậy, cần thiết phải ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh liên quan đến các cam kết quốc tế của nước ta khi gia nhập WTO, một số vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đòi hỏi phải giải quyết cũng như việc chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước.

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với việc phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Điện ảnh để thực hiện những cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị làm rõ thêm về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin- Truyền thông đối với mảng phim ảnh chiếu tại rạp, chiếu trên truyền hình, video gia đình để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này cũng như người đứng đầu, trực tiếp quản lý. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn về vấn đề nhập khẩu phim, nếu không quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn rạp chiếu phim sẽ khó quản lý, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng để nhập khẩu phim không phù hợp. Cùng với nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu ý kiến: nếu quy định doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim mới được nhập khẩu phim thì có phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp không; điều quan trọng là xét duyệt phim, cho phép nhập những phim nào.

Kết luận phiên họp sáng, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đánh giá điện ảnh thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, nhạy cảm và quan trọng, có tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh để thực hiện cam kết gia nhập WTO nhưng cần tăng cường các biện pháp quản lý, chủ động hạn chế một số lĩnh vực nhạy cảm nhằm bảo đảm hoạt động điện ảnh phù hợp với định hướng tư tưởng của Đảng, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Biểu dương sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, bổ sung những vấn đề liên quan để giải trình trước QH cho thuyết phục hơn./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *