Trang chủ » Năm 2009, các đô thị lớn còn bị ngập?

Năm 2009, các đô thị lớn còn bị ngập?











Ảnh minh họa

Năm 2009, thời tiết nước ta sẽ diễn biến thất thường hơn cả năm 2008, những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài vào đầu mùa hạ, các cơn bão sẽ nhiều và đến sớm hơn thường kỳ, mưa có thể gây lũ lớn…

Thông tin được nêu ra tại cuộc giao ban với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội. Trong bối cảnh đó, hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM sẽ ứng phó như thế nào? Liệu Hà Nội có thoát được nỗi kinh hoàng như trận lụt lịch sử vào tháng 11-2008 và TPHCM có giảm thiểu những thiệt hại do triều cường? Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học.

– Thưa ông, vì sao Hà Nội và TPHCM năm nào cũng được đầu tư khá nhiều tiền để chống ngập nhưng vẫn cứ ngập?


– Bộ NN-PTNT lo việc tiêu thoát lũ trên các sông, kênh rạch ở tầm vĩ mô. Còn trong nội thành, nội đô thì trách nhiệm thuộc Sở Giao thông vận tải. Tuy nhiên, nước trong nội đô, nội thành có tiêu thoát được ra sông hay không thì còn phụ thuộc vào hệ thống đường ống, cống rãnh ra sao, có bị đào lấp, ách tắc không. Về phần Bộ NN-PTNT, chúng tôi đảm bảo có đủ sức khống chế mực nước trên các sông, rạch để nước trong nội đô có thể chảy ra được dễ dàng.


Nhiều đại biểu HĐND ở TPHCM từng chất vấn tôi, rằng nếu thực hiện dự án tiêu thoát lũ, tiêu thoát ngập thì liệu có thể chấm dứt hoàn toàn ngập do lũ và triều cường không?


Chúng tôi khẳng định, hoàn toàn có thể chấm dứt tình trạng úng ngập bằng việc khống chế mực nước trên các sông, kênh, rạch, chẳng hạn không cho mực nước trên sông, kênh, rạch vượt 1,1m. Nhưng nếu hệ thống cống rãnh trong nội thành bị tắc nghẽn do đào lấp, thi công công trình hoặc có đường kính quá nhỏ, không được duy tu, bảo dưỡng,… thì không thể tiêu thoát được. Bởi vậy, giờ là lúc cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, gắn kết giữa thủy lợi và giao thông công chính.


– Vậy theo ông, nguyên nhân gây ngập ở Hà Nội và TPHCM thời gian qua là do đường ống cống tiêu thoát nước quá nhỏ?


– Không chỉ quá nhỏ, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên mà còn do quá trình đô thị hóa quá nhanh, lại không có quy hoạch đồng bộ. Trước đây, khi thiết kế hệ thống đường kính ống tiêu thoát nước, người ta chỉ tính cho một diện tích nhất định. Nhưng do quá trình đô thị hóa lan rộng nên đã gây sự quá tải cho hệ thống tiêu thoát nước. Chẳng hạn, một đường ống cống trước được thiết kế với đường kính để tiêu thoát cho 10ha nhưng hiện nay đang phải tiêu thoát cho 20ha thì không thể đủ năng lực, gây ngập lụt là đương nhiên.


– Tuy nhiên, như trong trận ngập lịch sử năm 2008 ở Hà Nội không chỉ do hệ thống tiêu thoát nước ở nội đô quá tải mà còn do hệ thống tiêu thoát nước trên các sông không đáp ứng được yêu cầu…


– Trước khi xảy ra trận lụt lịch sử, tôi cũng đã từng dự báo Hà Nội sẽ ngập lớn khi mưa lớn do cả khu vực phía Tây Hà Nội chỉ có một trục tiêu thoát mưa lũ duy nhất là sông Nhuệ. Sau khi Hà Nội mở rộng, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa lan nhanh về phía Tây, đặc biệt là ở hai bên sông Nhuệ. Trong khi, công năng của sông Nhuệ chỉ là tiêu thoát úng cho nông nghiệp với tiêu chí mưa 3 ngày thì phải 5-6 ngày mới tiêu thoát hết.


Còn tiêu chí của tiêu thoát nước đô thị là mưa giờ nào phải tiêu thoát ngay giờ ấy. Rõ ràng sông Nhuệ không đủ sức tiêu thoát nước mưa cho vùng Hà Nội mở rộng. Còn trên hệ thống sông Tô Lịch, việc tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn chỉ trông đợi vào 2 trạm bơm Yên Sở (công suất 45m3/giây) và Đông Mỹ (11m3/giây). Và ngập lụt đã xảy ra.  







 Ảnh minh họa
Thứ trưởng Đào Xuân Học



Hiện nay, việc tiêu thoát nước trên sông Nhuệ vẫn là cơ chế tự chảy. Nếu chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp thì có thể tự chảy được. Nhưng khi quy hoạch đô thị thì phải tính phương án xây các trạm bơm để bơm nước ra bên ngoài, nhất là trong trường hợp sông Đáy và sông Nhuệ cũng có lũ lớn. 


– Vậy làm thế nào để “cứu” Hà Nội nếu năm nay lại có mưa lớn xảy ra?


– Mới đây, Bộ NN-PTNT đã làm dự án tiêu thoát lũ cho sông Tô Lịch và sông Nhuệ (gồm cả đoạn thuộc Hà Nội và ở hạ lưu thuộc tỉnh Hà Nam). Trong đó, riêng phần nội đô Hà Nội sắp tới bộ sẽ phê duyệt các dự án xây trạm bơm có tổng công suất lên tới 445m3/giây.


Cụ thể, trạm bơm Yên Sở với công suất hiện tại là 45m3/giây trên sông Tô Lịch sang giai đoạn hai sẽ nâng thêm 45m3/giây và giai đoạn 3 sẽ thêm 45m3/giây nữa. Trạm bơm Đông Mỹ cũng sẽ nâp cấp lên 35m3/giây. Còn dọc hệ thống sông Nhuệ sẽ có 4 trạm bơm cỡ lớn. Hiện các dự án đã được Bộ NN-PTNT làm xong quy hoạch, đang chờ đưa ra để các bộ, ngành thẩm định.


 Cảm ơn ông!.



Theo SGGP

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.