Quy hoạchđất đai phải đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông












Tại cuộc họp mới đây bàn về giải pháp phối hợp hoạt động giữa hai ngành trên các lĩnh vực quản lý sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ biển và hải đảo… giữa Bộ TN&MT và Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT – Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, trong các quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị ở các tỉnh, quỹ đất dành cho giao thông đáng lẽ phải chiếm 15 – 16%, nhưng thực tế đất ưu tiên lâu nay vẫn dành cho xây dựng nhà cửa là chính. Như Hà Nội hiện chỉ có 4% quỹ đất dành cho giao thông. “Bộ TN&MT khi phê duyệt quy hoạch các địa phương nên căn cứ đúng quy định để dành đất cho giao thông và nâng cao tầm nhận thức của xã hội, nhất là của các cấp chính quyền, các nhà quản lý về các vấn đề đó” – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề nghị.

Có ý kiến cho rằng, các ngành, các địa phương chưa chú trọng và thực hiện đúng các quy định về quản lý đất đai, chưa có kế hoạch ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông. Đất hai bên đường các tuyến giao thông chính sử dụng bất hợp lý, thiếu đường gom và hệ thống cây xanh ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường đô thị và đặc biệt là an toàn giao thông.

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông của các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM thì cần lưu ý tới ba điểm. Thứ nhất, phải coi là vấn đề mấu chốt là công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng vì đây không chỉ là quy hoạch trong thành phố lớn mà trải rộng ra cả vùng Thủ đô, vùng lân cận, các đô thị vệ tinh để phát triển.

Thứ hai, trên cơ sở quy hoạch đó xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú ý tới quỹ đất. Dứt khoát phải dành quỹ đất khoảng 20 – 25% dành để xây dựng giao thông.


Thứ ba là phải đẩy nhanh tốc độ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các trục hướng tâm, đường vành đai của hai thành phố hiện tại… Đồng thời chuẩn bị các dự án mới như: đường sắt trên cao, metro, cầu vượt, đường hầm…



Theo đề án điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng nâng tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị thì tại các đô thị lớn, tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 20 – 25% đất đô thị; tại đô thị trung bình và nhỏ tỷ lệ này là 15 – 18%.



Về việc quản lý bảo vệ đất hành lang an toàn giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, lâu nay, kinh phí đền bù không đủ để giải phóng đảm bảo hành lang an toàn, thậm chí đã quy hoạch phạm vi hành lang an toàngiao thông mà vẫn cho cá nhân làm nhà ở. Tới đây, hai Bộ sẽ phối hợp giải quyết từng bước vấn đề này trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với các vi phạm.



Lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị hai ngành cần phối hợp rà soát quy hoạch đất dành cho giao thông đến năm 2020. Đất phát triển cho giao thông cũng nên cắm mốc và phân loại đất rừng, đất nông nghiệp…



Nguyên Đào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *