Nhà tái định cư ở TP.HCM: Thừa mà thiếu









Đã 3 năm trôi qua kể từ khi khu chung cư 353/30 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh hoàn thành, đưa 19 hộ dân sống tại đây bị hỏa hoạn thiêu rụi nhà cửa vào ngày mùng 2 Tết năm 2002. Nhưng tới nay, những hộ dân này vẫn phải sống rải rác đâu đó bằng cách riêng của mình để đợi tới ngày họ được vào căn hộ thuộc diện tái định cư trên nền đất cũ và đang được “bảo vệ” bởi hàng rào thép gai.


Nhà xây xong rào kín mít, dân phải đi thuê nhà.





Dân phải thuê nhà, còn nhà có thì để trống




Đó là tình trạng hiện nay của rất nhiều hộ dân đang trong diện tái định cư của TP.HCM. Một ví dụ thực tế mang tính tương phản khi chúng tôi tới khu chung cư 353/30 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh. Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Lan, 1 trong 19 hộ dân bị cháy nhà đêm mùng 2 tết năm 2002 đang chờ được tái định cư. Bà kể: “Đã hơn 6 năm sau khi bị hỏa hoạn, chúng tôi tản mát khắp nơi, người thuê nhà để ở, người ở nhờ bà con. Mỗi tháng được trợ cấp 500 nghìn đồng để thuê nhà, nhưng với giá thuê nhà hiện nay thì khó khăn lắm, nhất là phải thuê trong thời gian dài như vậy. Hiện gia đình tôi thuê một phòng rộng gần 20m2, chật chội, nóng nực với giá 1,2 triệu đồng, mà nghe đâu sắp tới giá thuê nhà còn tăng thêm nữa. Đa số chúng tôi là những người lao động làm thuê, bán hàng rong, cuộc sống khó khăn càng thêm khó. Chúng tôi ao ước nhanh chóng được nhận căn hộ đã hoàn thành từ năm 2006 kia”. Vừa nói bà vừa chỉ tay về khu chung cư TĐC có hơn 30 căn hộ đang được rào bởi hàng rào thép gai, cách phòng trọ của bà chưa đầy 10m.



Giải thích cho nguyên nhân chung cư đã xây xong 3 năm mà vẫn còn rào chắn, bà Lan kể tiếp: “Thời gian qua, UBND Q.Bình Thạnh đồng thời là chủ đầu tư đã làm việc nhiều lần với chúng tôi nhưng vẫn không đi tới được sự thống nhất về giá  hỗ trợ, đền bù. UBND quận cùng Sở TN&MT quyết định hỗ trợ 30% giá trị căn hộ. Chúng tôi thấy không thỏa đáng vì với mức hỗ trợ như vậy thì chúng tôi không đủ khả năng để mua lại được một căn hộ đã được xây dựng trên chính mảnh đất chúng tôi đang sống, bởi giá nhà từ tầng 2 tới tầng 4 dao động từ 11 – 13 triệu đồng/m2, mỗi căn rộng từ 45 – 75m2, cho dù có được trả góp. Trong khi đó tầng trệt và tầng 1 đã được bán hết với giá trên 13 – 14,5 triệu đồng/m2, những căn đã có người mua cũng chưa vào ở được vì 19 hộ diện TĐC chưa giải quyết xong”. Theo Sở TN&MT, mức hỗ trợ này là do diện tích của khu đất mà 19 hộ dân sinh sống chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ mới được đo đất năm 1999.  



Người dân thiếu nhà phải đi thuê. Nhà nước phải hỗ trợ tiền thuê nhà. Trong khi đó nhà TĐC xây xong lại rào để đấy đợi… xuống cấp!




Lãng phí tiền tỷ




Trên đây chỉ là một lý do trong vô số lý do khiến cho nhiều khu TĐC ở TP.HCM có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang. Mỗi một dự án được thực thi đều hướng tới đời sống an sinh xã hội được tốt hơn, những hộ dân thuộc diện TĐC chiếm phần không nhỏ trong xã hội, vì vậy nhu cầu nơi ở mới “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ là cần thiết. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, tới nay toàn TP có khoảng 10 nghìn hộ dân có nhu cầu nhà ở TĐC, nhưng thực tế còn rất nhiều căn hộ TĐC xây xong lại bỏ trống. Không chỉ có Nhà nước mà rất nhiều người dân xót xa trước “hàng đống tiền nằm cho cỏ mọc”.



Cách trung tâm TP không xa, chung cư Tân Hưng (Q.7) có khoảng 70 căn nhưng chỉ có 1 căn được sử dụng làm phòng bảo vệ, còn lại cửa đóng then cài, chưa từng có người ở, hàng rào thép gai bảo vệ được giăng lên cho cỏ mọc um tùm. Đây là một trong bốn chung cư của Q.7 bị bỏ hoang hoặc có rất ít hộ tới ở.



Q.2, nơi có gần 8.000 hộ dân ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị giải tỏa nhưng những chung cư TĐC ở đây cũng bị ế ẩm. Hàng nghìn căn hộ không có người tiếp nhận vì hơn 90% số hộ dân chỉ đồng ý nhận tiền chứ không nhận nhà TĐC. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy có rất nhiều lý do khiến cho người dân không mấy mặn mà với nhà TĐC như: Hạ tầng của các khu TĐC còn thiếu, vị trí không thuận lợi. Khi quy hoạch, các khu TĐC đều có trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện… Nhưng khi đưa hộ dân vào ở thì chỉ là những khu nhà cao tầng trơ trọi, cách xa trường học, chợ… vài cây số. Một số khu chung cư TĐC do vướng mắc ở khâu định giá hỗ trợ đền bù, tới khi giải quyết xong người dân vào ở thì nhà đã xuống cấp, thời hạn duy tu, bảo hành đã hết, người dân đề nghị sửa chữa thì phải đợi các cấp phê duyệt. Vì vậy, nhiều hộ dân tính đến chuyện sang nhượng, cho thuê, hay đành bỏ trống… đi chỗ khác ở.



Chung cư TĐC bỏ trống gây lãng phí tiền của cho Nhà nước và người dân là điều không ai muốn. Nếu có sự dự trù và thỏa thuận trước và tìm được sự thống nhất giữa những hộ dân có nhu cầu TĐC và đơn vị thực hiện dự án thì sự lãng phí không đáng có này sẽ hạn chế được một cách tối đa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *