Hà Nội vẫn lo nước ngập







Hễ đến mùa mưa là Hà Nội lặp lại điệp khúc “mưa – ngập”. Mùa mưa 2009 này Hà Nội sẽ chống ngập như thế nào? Ông Nguyễn Như Ngọc – Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát – Thiết kế (thuộc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) trao đổi vấn đề này.





Ngập tại KĐTM Văn Quán.


Thưa ông, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh, nhiều khu đô thị mới quy mô đã được xây dựng. Thế nhưng xem ra các khu mới ngập chẳng kém những khu cũ. Tại sao lại xảy ra nghịch lý như vậy?




– Đây cũng là một vấn đề bất cập. Như chúng ta đã biết, hiện nay tốc độ đô thị hoá của Hà Nội rất cao, dẫn đầu cả nước. Những khu đô thị mới (KĐTM) hình thành có tốc độ phát triển không đồng bộ với hệ thống hạ tầng xung quanh. Bản thân hệ thống thoát nước trong KĐT rất tốt nhưng khi khớp nối với hệ thống bên ngoài có thể tạo ra những bất cập. Chính vì vậy những KĐTM hiện nay có nhiều nơi thường xuyên bị úng ngập. Ví dụ các KĐTM nằm ở khu vực phía Tây và Tây Nam TP thuộc lưu vực sông Nhuệ như Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Nam Trung Yên, Trung Hoà – Nhân Chính… Hiện nay, lưu vực sông Nhuệ chưa có dự án thoát nước nào được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ. Những khu vực này tiêu thoát chủ yếu vẫn dựa vào các mương nông nghiệp để thoát ra sông Nhuệ. Tuy nhiên, sông Nhuệ thường xuyên có mực nước rất cao nên tình trạng chung ở các KĐTM này là chấp nhận úng ngập nếu có mưa lớn xảy ra.




Hà Nội hiện có khá nhiều các dự án thoát nước đã được đầu tư xây dựng. Vì sao những khu dân cư nơi dự án đi qua vẫn xảy ra tình trạng úng ngập cục, bộ thậm chí cả trong mùa khô?




– Hiện trên địa bàn TP có rất nhiều dự án liên quan đến thoát nước được triển khai, lớn nhất là Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 nhằm phát huy hiệu quả các hạng mục đã hoàn thiện trong giai đoạn 1. Bên cạnh đó là một loạt các dự án của những chủ đầu tư khác nhau, như: dự án cải tạo hồ, dự án nâng cao năng lực giao thông, một số dự án cải tạo hè đường, rãnh thoát nước… của các quận để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chính vì các dự án đang triển khai chưa hoàn thiện, nên có những ảnh hưởng nhất định đến tình trạng thoát nước chung trong khu vực. Ví dụ Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2 bây giờ mới triển khai các gói thầu về cống và mương. Trước đây giai đoạn 1 thì chưa làm mương, mới làm cống và các công trình đầu mối. Cái mương là cầu nối thì bây giờ mới triển khai. Rõ ràng cống chảy ra sông được là nhờ các mương mà bây giờ mới triển khai thì như vậy chúng ta phải chờ đợi kết quả khi dự án hoàn thiện.




Vậy, kế hoạch thoát nước mùa mưa năm 2009 sẽ như thế nào?




Qua trận mưa cuối tháng 10/2008, chúng tôi cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch thoát nước trong mùa mưa 2009. Kế hoạch sát thực hơn và gắn thêm những yếu tố bất ngờ, yếu tố thiên tai để có những phương án dự phòng. Có 3 nhóm giải pháp chính.



Thứ nhất, chúng tôi vẫn phải khai thác triệt để hệ thống thoát nước hiện có. Đây cũng là những giải pháp mà chúng tôi đã làm hàng năm trước mùa mưa như tập trung nạo vét đồng bộ tất cả các trục tiêu thoát nước chính, các tuyến cống ngầm trên các tuyến đường: Giải Phóng, Bạch Mai, Trương Định, Khâm Thiên, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng… Các trục mương tiêu thoát chính như: Hào Nam – Yên Lãng, Thành Công, mương Trắng Chẹm – Xã Đàn và các mương nông nghiệp mới nhận bàn giao. Cố gắng trước mùa mưa hoặc trong mùa mưa tiến hành nạo vét một lần. Toàn bộ tuyến cống ngang, ga thu “hàm ếch” được nạo vét, đảm bảo ga thu tối đa. Các công trình trên hệ thống như: Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Phúc Đồng, trạm bơm Trung Tự, trạm bơm Kim Liên, các hầm cầu chui… đã được sửa chữa, sẵn sàng hoạt động 24/24h ngay từ trước mùa mưa. Đây là những công trình đầu mối rất quan trọng, góp phần hạ mực nước trên hệ thống. Một số hồ điều hoà thì sẽ cố gắng giữ mực nước theo đúng quy định, đảm bảo sức điều hoà trong mùa mưa.



Thứ hai, tập trung vào những điểm yếu trên hệ thống. Những vị trí thiếu cống, trũng cục bộ hoặc những công trình xuống cấp (khoảng trên 20 điểm) sẽ được thi công xây lắp để góp phần giảm thiểu.



Thứ ba, chúng tôi phối hợp với các chủ đầu tư trên địa bàn có công trình ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thoát nước. Ví dụ ở Dự án Thoát nước giai đoạn 2, trong mùa mưa năm nay họ sẽ cải tạo một loạt các hồ, như Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm, Định Công, Khương Trung 1, Khương Trung 2… Công tác cải tạo hồ lại diễn ra trong mùa mưa cho nên chúng tôi phải phối hợp hết sức chặt chẽ để làm sao không ảnh hưởng đến thoát nước. Ngoài ra, phối hợp với các chính quyền địa phương, công an, thanh tra… trong việc bảo vệ hệ thống, chống lấn chiếm, chống tình trạng mất cắp nắp ga, đổ rác phế thải. Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền đến từng người dân có ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước.




Xin cảm ơn ông!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *