Thái Bình: Tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng





Ngày 25/3, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất VLXD, sành sứ, thủy tinh trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trước tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay và đảm bảo mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 66 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh VLXD, sành sứ, thủy tinh. Gía trị sản xuất của các doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2008 đạt 1.342 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 21% cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, góp phần đáng kể vào việc tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và là một trong những ngành thu hút nhiều lao động của tỉnh (sau ngành dệt may) với 21.750 lao động.

Tại buổi gặp mặt, nhiều Giám đốc doanh nghiệp đã thẳng thắn kiến nghị với UBND tỉnh về các vấn đề nóng đang ảnh hưởng trực tiếp đến SXKD của các doanh nghiệp như: Chính sách cho vay và điều chỉnh lãi suất ở các ngân hàng thương mại chưa thật linh hoạt; việc triển khai hỗ trợ bảo lãnh tín dụng chậm; thủ tục cấp đất, thuê đất vẫn còn nhiều công đoạn gây phiền hà cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp triển khai chậm; tình trạng cắt điện mà không thông báo trước vẫn xảy ra, nhất là tại các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề… Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước, khu xử lý nước thải, rác thải ở KCN Tiền Hải, là nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp sản xuất VLXD triển khai chậm, lại không đồng bộ, làm ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây.

Với tinh thần trao đổi, dân chủ, khách quan, hầu hết các ý kiến, kiến nghị đề xuất của đại diện các doanh nghiệp nêu ra được lãnh đạo tỉnh, sở ngành chuyên môn giải đáp thỏa đáng, đồng thời chỉ ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng các địa phương ngay trong tháng 4 tới phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục, mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Tiền Hải; đảm bảo việc cấp điện, cấp nước ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động. Tỉnh cũng yêu cầu ngành điện kiểm tra việc cung ứng điện cho các doanh nghiệp, trước khi dừng cấp điện phải thông báo trước cho doanh nghiệp biết; đồng thời xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại KCN Tiền Hải theo hướng tiến hành nạo vét, xây kè sông Long Hầu, xử lý nước thải, rác thải tập trung, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp…/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *