Rà soát quy hoạch Hà Nội: Cuộc “giải phẫu” nào mà chẳng đau đớn












Dư thừa dự án bất động sản nên phải cắt giảm, điều chỉnh là điều tất yếu và cần thiết. Đây có thể ví như một cuộc “đại phẫu” về quy hoạch sau khi thành phố Hà Nội được mở rộng.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm nặng nề trong việc cân nhắcxem dự án nào nên tiếp tục triển khai, dự án nào phải dừng lại. Doanh nghiệp lại càng rối bời, lo lắng. Theo thông tin mới nhất, thời gian phấp phỏng chờ câu trả lời chính thức sẽ sớm chấm dứt. Dự kiến, kết quả rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội sẽ được công bố trong tháng 4 tới.


 


Những dự án “thần tốc


 


Ông Phạm Tiếp, trưởng phòng Công thương huyện Hoài Đức cho biết, hai năm trở lại đây, các nhà đầu tư bắt đầu đổ xô vào khu vực này. Hiện nay, trong khi toàn huyện có diện tích 94,3 km2, gồm 1 thị trấn, 19 xã, nông thôn chiếm 93% thì tất cả các dự án đầu tư, đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện chiếm tới 5.000 ha đất, trong đó có 36 dự án khu đô thị và hơn 20 dự án khu nhà ở nhỏ lẻ. Rất nhiều dự án được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận đầu tư ngay trước thời điểm hợp nhất chỉ ít ngày. Ví dụ như dự án khu nhà ở dịch vụ thương mại cao cấp Mekong – Vân Canh, quy mô 13,27ha của Công ty CP ô tô xe máy Hà Nội và Công ty CP Tập đoàn tài chính Mekong được phê duyệt quy hoạch ngày 14/7/2008, phê duyệt dự án ngày 28/7/2008. Dự án này nằm trong tổng thể dự án Khu nhà ở Viet.Inc Mekong được phê duyệt quy hoạch 1/2000 ngày 4/7/2008. Khu đô thị Mai Linh tại Song Phương – Tiên Yên, diện tích 139 ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 ngày 16/6. Được chia nhỏ và phê duyệt quy hoạch 1/500 ngày 23/7/2008. Trong đó 3,62ha được chia cho Công ty TNHH Thống Nhất lập quy hoach chi tiết 1/500 khu nhà ở, biệt thự.


 


Với tốc độ không hề kém cạnh, khu đô thị làng cổ Việt của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại HSTC quy mô 56 ha tại La Phù, quy hoạch chi tiết 1/500 và dự án được phê duyệt cách nhau có 4 ngày và đều vào cuối tháng 7/2008. Tương tự, khu đô thị An Thịnh 2 giao Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Xuân Tiến Hòa Bình phê duyệt quy hoạch 1/500 ngày 21/7/2008. Khu đô thị An Thịnh 3, giao Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Dương, phê duyệt quy hoạch 1/500 ngày 21/7/2008, cho phép đầu tư ngày 30/7/2008… Khó để có thể kể hết danh sách các dự án được phê duyệt với tốc độ thần tốc.


 


Nguy cơ thấy rõ


 


Phát triển quá nóng, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau, tiềm ẩn tương lai phát triển không bền vững nên cắt giảm là xu hướng tất yếu đối với khối lượng dự án khổng lồ phía tây Hà Nội. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội – Phí Thái Bình đã khẳng định chủ trương này của Hà Nội để tránh khỏi sự lãng phí to lớn và đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên đất, đặc biệt làđất trồng lúa, rau quả năng suất cao một cách tiết kiệm, sử dụng vốn đầu tư an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa nhà ở do cung vượt quá cầu, yêu cầu tất yếu là phải dừng, hoãn; giảm, giãn tiến độ, chuyển công năng của một số dự án bất động sản chưa cần thiết phải đầu tư sớm.


 


Kết quả rà soát sơ bộ 772 đồ án, dự án đầu tư, sử dụng 76.695 ha đất tại Hà Nội cho thấy, sau hợp nhất, có một lượng lớn dự án chưa phù hợp quy hoạch chung, quy mô và mục đích sử dụng đất chưa phù hợp, kết nối hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ; quy trình, thủ tục phê duyệt cần được thẩm định chặt chẽ… Về các dự án đô thị tại địa phương, ông Phạm Tiếp không phủ nhận việc các dự án khó khớp nối được với nhau vì huyện chưa có quy hoạch chung.


 


Chỉ đạo vấn đề này, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu, kiên quyết dừng những dự án không phù hợp với quy hoạch, không đáp ứng các điều kiện và thủ tục; kịp thời điều chỉnh, bổ sung đối với những dự án thuộc diện phải điều chỉnh, hạn chế thấp nhất khó khăn, thiệt hại cho xã hội và doanh nghiệp. Những dự án phù hợp quy hoạch chung, quy trình thủ tục đầy đủ thì sớm xác định tiêu chí để ưu tiên cho triển khai thực hiện. Chủ trương này cũng nhận được sự đồng thuận của các nhà quy hoạch, giới chuyên môn, bởi ai cũng rõ hệ lụy tai hại của một cuộc khủng hoảng thừa dự án bất động sản.


 


Dự án nào phải dừng hẳn, dự án nào tạm dừng, dự án nào tiếp tục được triển khai là bài toán hết sức phức tạp. Cũng vì lẽ đó mà quy trình rà soát đã được Bộ Xây dựng, tiếp đó là thành phố Hà Nội thực hiện đã trải qua thời gian khá dài, tới 7 tháng.


 


 


 



Song Hà (Còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *