Đánh thức không gian



TTO – Nhiều tác phẩm mới nghe qua tên gọi, mọi người đã thốt lên “lãng mạn quá”: Bồn nước – mơ chiếc áo mới,  Những chiếc cầu trên mây, Dòng sông màu sắc, Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng… Những tác giả gặp nhau ở nhiều điểm: trẻ, đầy ắp những ý tưởng bay bổng và khát khao làm đẹp không gian đô thị.


Sáng tạo không biên giới


Khá nhiều tác phẩm mới nghe qua tên gọi, mọi người đã thốt lên: lãng mạn quá. Đó là: Bồn nước – mơ chiếc áo mới,  Những chiếc cầu trên mây, Con đường đặc biệt cho những nghệ  thuật “không bình thường”, Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng, Dòng sông màu sắc…










Tác phẩm Bồn nước – mơ chiếc áo mới (giải nhì) của Nguyễn Thành Nhân (SV ĐH Mỹ thuật TP.HCM) – Ảnh do tác giả cung cấp







Cuộc thi “Đánh thức không gian” do Hội đồng Anh và báo Thể Thao Văn Hóa tổ chức vào cuối tháng 3-2009.

Tác phẩm Bồn nước – mơ chiếc áo mới (giải nhì) của Nguyễn Thành Nhân (SV ĐH Mỹ thuật TP.HCM) xuất phát từ một mơ ước thuở bé: những bồn nước trên con đường đến trường sẽ được khoác chiếc áo mới thay vì màu xám trơ cứng. Và chiếc áo mơ ước ấy chính là những hình vẽ sinh động về trẻ em, các trò chơi dân gian, lễ hội… Với chiếc áo mới này, các bồn nước không chỉ sinh động hơn mà còn được tôn lên những đường cong, giúp người dân thư giãn khi lưu thông trên đường.


Tác phẩm Những chiếc cầu trên mây của Phạm Thị Hồng Sâm (25 tuổi, Hà Nội) được nhận bằng khen cho ý tưởng thuộc nhóm cải thiện các công trình công cộng mới của đô thị (đường hầm, cầu vượt…). Hồng Sâm mơ ước dùng sơn phun vẽ bầu trời mây lên gầm cầu vượt, các trụ cầu, làm cho chiếc cầu như được xây trên mây. Tiêu chí vẽ là dùng mảng lớn, không đi vào chi tiết.










Tác phẩm Những chiếc cầu trên mây của Phạm Thị Hồng Sâm (Hà Nội) – Ảnh do BTC cung cấp


Còn đôi bạn Trương Trần Tiên Thảo – Nguyễn Hồ Kim Long (TP.HCM) mơ về Con đường đặc biệt cho những nghệ  thuật “không bình thường”. Đó là một con đường để những “nghệ sĩ đường phố” tha hồ thể hiện, sáng tạo với nghệ thuật nhân tượng, graffiti, âm nhạc đường phố…


Tác phẩm Dòng sông màu sắc (giải nhì) của Nguyễn Trần Hiếu (Hà Nội) bắt nguồn từ suy nghĩ về những chiếc thuyền nâu buồn tẻ tại suối Yến. Bạn nghĩ rằng nếu mỗi con thuyền có một màu sơn khác nhau, được trang trí những hình vẽ khác nhau thì sẽ có một Dòng sông màu sắc.


Không chỉ bay bổng mà còn khát khao đi vào thực tế


Không chỉ bay bổng sáng tạo, các tác giả đều nỗ lực chỉ ra tính khả thi của ý tưởng. Phạm thị Hồng Sâm – tác giả tác phẩm Những chiếc cầu trên mây nêu rõ: ý tưởng này hoàn toàn có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn, với sơn phun hai màu xanh và trắng. Kỹ thuật đơn giản, đặc biệt là với các bạn vẽ graffiti, kinh phí không quá cao, vị trí vẽ cao nên ít khả năng bị phá hoại bởi người vô ý thức, vẽ mảng lớn và màu nhẹ vừa tạo hiệu quả về một không gian ấn tượng vừa không làm phân tâm người đi đường.


Hồng Sâm cũng tha thiết: “Rõ ràng đây là một ý tưởng lãng mạn. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống rất cần những góc lãng mạn bay bổng như vậy, để mỗi người thấy thêm yêu đời, gần hơn với thiên nhiên”.








Tác phẩm Dòng sông màu sắc (giải nhì) của Nguyễn Trần Hiếu (Hà Nội)


Nguyễn Trần Hiếu – tác giả tác phẩm Dòng sông màu sắc – đưa ra giải pháp khuyến khích các chủ thuyền tại suối Yến sơn tân trang lại thuyền bằng nhiều phong cách khác nhau hoặc để các nghệ sĩ mặc sức sáng tạo.


Bạn Nguyễn Thành Nhân (SV ĐH Mỹ thuật TP.HCM) chia sẻ: “Một trong những lo lắng của nhiều người khi ứng dụng hội họa vào các không gian đô thị công cộng là những tác động của khí hậu. Tôi nghĩ rằng nếu chọn các sản phẩm sơn uy tín, chất lượng đã qua kiểm chứng thì chúng ta vẫn có thể làm mới, làm sinh động các bồn nước của TP.HCM”.


Đôi bạn Trương Trần Tiên Thảo – Nguyễn Hồ Kim Long (TP.HCM) với ý tưởng Con đường đặc biệt cho những nghệ thuật “không bình thường” chọn công viên 30-4 làm địa chỉ mơ ước. Giải pháp là tạo ra một con đường thấp hơn mặt đường hiện trạng, con đường” này chính là nơi dành cho những nghệ sĩ đường phố thỏa sức sáng tạo. Vì thấp hơn mặt đường hiện trạng nên con đường đặc biệt sẽ không ảnh hưởng đến những người cần sự tĩnh lặng, còn chưa chấp nhận các loại hình nghệ thuật này nhưng vẫn đảm bảo một không gian sôi động cho những ai yêu nghệ thuật đường phố.


Bạn Nguyễn Thành Nhân (SV ĐH Mỹ thuật TP.HCM) chia sẻ thêm: “Mang nghệ thuật đến với không gian đô thị công cộng là tâm huyết của chúng tôi, giúp người dân thư giãn, thấy bình yên trong tâm hồn. Tôi hy vọng những người có chuyên môn, quyền hạn cùng ngồi lại với nhau sẽ giúp cho những ý tưởng ấy có thể trở thành hiện thực. Có thể thực hiện những ý tưởng dễ trước, những ý tưởng cần thời gian nhiều hơn thì thực hiện theo lộ trình…”.


Và cuộc thi vẫn còn rất nhiều ý tưởng nhân văn, sáng tạo, bay bổng khác như: Đánh thức không gian bằng âm nhạc và ánh sáng, Cột điện – bóng cây, Con đường âm nhạc, góc phố họa sĩ, Con đường âm nhạc, Chung tay xây dựng góc phố họa sĩ cho TP.HCM, Giấc mơ đêm pháo hoa giao thừa cùng trẻ em nghèo


Ban tổ chức cho biết cuộc thi chính là dịp kết nối những ai quan tâm đến việc đánh thức những không gian đô thị công cộng. Và đó cũng là những bước đầu tiên của một hành trình dài cần nhiều sự chung sức…


TRUNG UYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *