Khó trăm bề


Hanoinet – Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 12 nông lâm trường, trạm trại, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 10.662 ha.


 


Song, trong nhiều năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại đây xảy ra rất phức tạp, dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng đất không hiệu quả.


 


Thực tại, các nông lâm trường, trạm trại này đã được giao đất từ những năm 1960 – 1970. Trước đây, việc quản lý các nông lâm trường theo hình thức tập trung bao cấp đã hình thành nên những khu dân cư với nhiều thế hệ sinh sống. Nhiều nông trường có quy mô về diện tích và dân số tương đương với một xã. Sau khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nhất là sau Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ, các nông trường đã chuyển sang hình thức giao khoán đất cho các cán bộ, công nhân viên và các đối tượng khác; phần lớn các nông lâm trường đều không trực tiếp sản xuất.


 


Ông Nguyễn Thành Sơn, phó trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường huyện cho biết, công tác quản lý đất đai tại các nông lâm trường hiện rất khó khăn, chưa giải quyết dứt điểm được, nhất là đối với các nông lâm trường đã thực hiện cổ phần hóa. Cụ thể, tại Nông trường hữu nghị Việt Nam Mông Cổ (có tổng diện tích đất sử dụng lên tới 845 ha, bằng diện tích của một xã) đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Công ty cổ phần thực hiện đo đạc phục vụ quy hoạch. Đến nay, Công ty CP VN – Mông Cổ hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Làng chè sinh thái VN – MôngCổ và được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt và giao nhiệm vụ chủ đầu tư với nhiều dự án thành phần. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa được giao đất, cho thuê đất và cũng chưa bàn giao đất về cho địa phương quản lý. Bởi trên thực tế, công ty chỉ được giao hơn 29,6ha đất, số còn lại phải chuyển sang thuê đất nhưng công ty chưa làm các thủ tục chuyển đổi.


 


Theo ông Sơn, tình hình sử dụng đất tại Công ty rất phức tạp, cần phải có biện pháp giải quyết khẩn trương, kịp thời. Hiện tại, tại nông trường có khoảng 3000 người dân đang sinh sống, chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương, nhưng đất đai lại do Công ty CP VN – Mông Cổ quản lý. Phần lớn các hộ dân là cán bộ công nhân viên nông trường đã ở từ 2 đến 3 đời nay, do đó, tình trạng mua bán, tự chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như lấn chiếm rất khó kiểm soát. Buông lỏng quản lý một diện tích đất lớn như vậy, ông Sơn cũng thừa nhận một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền huyện, xã, nhưng cũng vì không có cơ chế, chế tài xử lý cụ thể nên mặc dù các đơn vị chức năng có lập biên bản xử lý vi phạm, cưỡng chế cũng không giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất ở đây. Phá dỡ nhà lấn chiếm chỗ này thì dân lại chuyển sang làm nhà ở chỗ khác.


 


Còn đối với Công ty CP giống gia cầm, hiện đang sử dụng 189,15 ha đất, nhưng vẫn còn 11,24 ha chưa sử dụng. Công ty đã có phương án cổ phần hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, trong đó diện tích giao cho Công ty cổ phần thuê 105 ha, diện tích còn lại giao về địa phương quản lý. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, phần lớn diện tích đất của công ty thuộc quy hoạch khu du lịch hồ Suối Hai, nên đến nay vẫn chưa thực hiện được các thủ tục về đất đai. Trong khi đó các nông lâm trường còn lại thực hiện theo cơ chế đơn vị sự nghiệp, bán sự nghiệp hoặc hoạt động theo hình thức Công ty TNHH nhà nước môt thành viên.


 


Để các nông lâm trường trạm trại đưa đất vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh tình trạng không ai quản lý, UBND huyện Ba Vì đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo các nông lâm trường thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng đất thực tế của các nông lâm trường. Đối với diện tích còn lại, đề nghị cho lập phương án chi tiết để giao lại cho địa phương quản lý để giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất theo quy định của pháp luật.


 



M. Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *