Trang chủ » Mưa lớn trái mùa liên tiếp ở Đồng Nai gây hại cho các loại cây trồng chủ lực

Mưa lớn trái mùa liên tiếp ở Đồng Nai gây hại cho các loại cây trồng chủ lực

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Liên tiếp trong các ngày từ 4 đến 6/4, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có mưa lớn trái mùa trên diện rộng, trong đó điển hình là vào ngày 6/4, mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ với lượng mưa đo được từ 40 đến 50 mm. Hai trận mưa trước đó xuất hiện từ 16 đến 17 giờ ngày 4/4 và từ 20 giờ đến 21 giờ ngày 5/4 với lượng mưa mỗi đợt từ 20 đến 30 mm. Đây là những trận mưa trái mùa lớn nhất xuất hiện từ đầu năm 2009 đến nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai: những trận mưa lớn trong những ngày qua đã làm giảm không khí oi bức và hạn chế khả năng cháy rừng xảy ra trong cao điểm mùa khô đang diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, những trận mưa trái mùa này đang làm tăng thêm khả năng nhiễm bệnh của các loại cây trồng chủ lực ở Đồng Nai như cà phê, chôm chôm và điều. Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai cho biết: hiện toàn tỉnh có trên 17.000 ha cà phê nhưng đã có gần 2.000 ha bị sâu bệnh, trong đó bị nhiễm nhiều nhất là rệp sáp 650 ha, bệnh rỉ sắt 514 ha, khô cành 423 ha và nấm hồng 210 ha. Diện tích cà phê bị nhiễm bệnh tập trung ở các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Cũng do ảnh hưởng của mưa trái vụ dài ngày, hiện có khoảng 4.000 trong tổng số 12.000 ha chôm chôm và gần 20.000 ha điều trong tổng số 45.000 ha điều trong toàn tỉnh bị nhiễm bệnh, trong đó có 7.000 ha nhiễm bệnh thán thư, hơn 5.000 ha nhiễm bệnh nấm hồng, gần 3.000 ha nhiễm bọ trĩ và 2.500 ha bị bọ xít. Nhiều nhà vườn trồng chôm chôm cho biết: Chưa bao giờ có mưa trái vụ nhiều như năm nay và cũng chưa từng thấy chôm chôm ra ít hoa, tỷ lệ đậu trái kém như hiện nay. Hiện chỉ có khoảng 60% diện tích chôm chôm trổ bông, còn lại gần như chỉ ra đọt non. Ngay cả những diện tích chôm ra hoa, tỷ lệ đậu trái cũng chỉ khoảng 70%. Một số nhà vườn kịp thời cắt bỏ một số lá non sau mỗi trận mưa nên tỷ lệ đậu trái cao hơn so với nhiều vườn chôm chôm khác, nhưng trái ra cũng không đều. Trạm bảo vệ thực vật vùng Xuân Lộc – Long Khánh cho biết: để xử lý tình huống này, nông dân phải sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng kali và lân cao hơn để phun làm cho mầm sinh trưởng thui đi, không phát triển nữa và thay vào đó là phát triển hoa. Có một số nông dân xử lý theo cách này đã thành công.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai: đầu tháng 4 đang là thời kỳ cây cà phê ra hoa và nuôi trái non, vì vậy các nhà vườn nên tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây. Cách phòng trừ tốt nhất là bón phân đầy đủ, tỉa cành hợp lý để tạo vườn thông thoáng, giúp cây sinh trưởng tốt, khi phát hiện sâu bệnh tiến hành phun xịt thuốc kịp thời. Đối với những diện tích điều bị nhiễm bệnh đang trong thời kỳ ra bông và nuôi trái, bà con cần phòng trừ kịp thời bọ xít, muỗi, bọ trĩ và bệnh thán thư để hạn chế làm khô bông khi điều ra bông và đậu trái non; cần tiến hành hun khói vào sáng sớm hoặc chiều tối để hạn chế bọ xít gây hại và phun ngừa bệnh thán thư bằng các loại thuốc, như: Carbenda, Derosal, Antracol./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.