Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Cần thực hiện thí điểm dự án xử lý rác thải quy mô cấp vùng





Chiều 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành hữu quan và Ngân hàng Phát triển Việt Nam về xây dựng Đề án Chương trình đầu tư các dự án xử lý rác thải giai đoạn 2009 – 2020, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, cần phải thực hiện thí điểm dự án xử lý rác thải quy mô cấp vùng, từ đó sớm xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực triển khai Chương trình này trên quy mô cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong xây dựng Đề án Chương trình, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần phân kỳ để triển khai với các kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn đầu, mục tiêu cơ bản là tạo được cơ chế phù hợp để các dự án khả thi về tài chính, nhà đầu tư có lợi, thu hút được các nguồn vốn xã hội. Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp duyệt dự án cũng như phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các dự án. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng chỉ đạo để hoàn thiện, phủ kín các quy hoạch quản lý, xử lý chất thải tới cấp xã ở các địa phương, tiếp tục hướng dẫn điều kiện, quy chuẩn về bãi rác, công nghệ chôn lấp để thực hiện thống nhất.

Có một thực tế, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách và bức xúc đối với các địa phương trong cả nước, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại tất cả các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/1 đô thị, trong đó có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Chỉ có một số ít địa phương đã và đang xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nhưng phần lớn sử dụng công nghệ chưa phù hợp, rác không được phân loại tại nguồn nên mới chỉ xử lý được chất thải hữu cơ. Tỷ lệ rác phải tiếp tục chôn lấp vẫn còn lớn và suất đầu tư cao. Trước tình hình này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ giao xây dựng một số cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy đầu tư, triển khai các dự án xử lý chất thải như thủ tục đầu tư, danh mục dự án, cơ chế tài chính, lãi suất vốn vay, công nghệ,… bên cạnh các chế độ theo quy định trong Nghị định số 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *