Khoảng trời xanh Bến Dược





Tháng tư, Bến Dược – Củ Chi xanh một mầu cây lá. Những miệt vườn, rừng cao-su trải dài dọc triền sông Sài Gòn. Trên mặt sông yên ả, những chiếc xuồng ba lá dọc ngang, chở nặng hoa trái xuôi theo dòng nước.


Du khách tham quan đền Bến Dược, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.




Chúng tôi ngồi lặng bên sông nghỉ chân cùng đoàn khách du lịch cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa một thời đạn lửa. Chiến tranh đã lùi xa 34 năm. Bầu trời đất Củ Chi hôm nay rộn vang chim hót và tiếng nói, cười rộn ràng của khách du lịch bên những xác trực thăng, vỏ đạn pháo ngổn ngang mặt đất khu di  tích. Ðể có được bầu trời thanh bình hôm nay, mảnh đất này đã thấm bao nhiêu máu của những Anh hùng, liệt sĩ? Không thể biết được, bia đá tưởng niệm Ðền liệt sĩ Bến Dược cũng chỉ mới ghi danh được gần 45 nghìn liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.




Kim Anh, cô gái hướng dẫn viên du lịch của Công ty TransViet đưa chúng tôi đi thăm lại đất trắng, “tam giác sắt” Củ Chi trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, không nhớ hết được mình đã đưa bao nhiêu đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Ðền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Nhưng cô gái vẫn có  cảm giác  xúc động mỗi lần đứng trong không gian của khuôn viên Ðền tưởng niệm giới thiệu về lịch sử một thời chiến tranh đã qua. Không xúc động sao được khi có những bậc đáng tuổi ông, tuổi cha, mái tóc bạc trắng bởi tuổi tác và thời gian,  lặng lẽ nghiêng mình khóc trước những tượng đài liệt sĩ. Khu vực đền chính Bến Dược ghi tên gần 45 nghìn liệt sĩ của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đã ngã xuống trên mảnh đất này. Còn những người nào không được ghi lại tên tuổi trên bia đá? Liệt sĩ vô danh. Vâng, đã có rất nhiều những sự hy sinh thầm lặng mà không bia đá nào ghi lại hết được. Một cựu chiến binh trong đoàn khách du lịch từng chiến đấu trên chiến trường Rừng Sác năm xưa cho chúng tôi biết: Nếu chỉ tính riêng Ðoàn 10 đặc công Rừng Sác Anh hùng, trong suốt những năm chiến tranh bám trụ vùng ven đã có hơn 800 liệt sĩ, nhưng trong đó có đến 500 liệt sĩ không thể tìm thấy hài cốt. Máu xương các anh đã hòa tan vào sông nước và đất mẹ thân yêu.




Khu đền chính Bến Dược mang dáng dấp kiến trúc đền đài cổ của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch. Ðiện thờ bố trí theo hình chữ U: Trung tâm là bàn thờ Tổ quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là liệt sĩ khối Dân – Chính – Ðảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng vũ trang với những dòng chữ được khắc vào bia đá hoa cương, mạ vàng.  Theo lời cô hướng dẫn viên, hằng ngày, nơi đây đã đón tiếp nhiều lượt người là những cựu chiến binh,  khách du lịch và thân nhân, đồng đội các liệt sĩ tìm về thăm viếng. Có không ít người là khách nước ngoài và nhiều người trong số họ đã từng cầm súng ở phía bên kia chiến tuyến. Họ đến để tìm hiểu, khám phá và để rồi từ đó suy ngẫm, cảm phục. Một cựu chiến binh người Mỹ đã viết vào sổ lưu niệm: “Ðến nơi đây, tôi mới hiểu về sức mạnh đã làm nên chiến thắng của người Việt Nam. Sức mạnh đó chính là lòng yêu nước. Họ chiến đấu để bảo vệ quê hương, xứ sở và mái ấm gia đình của chính họ”.




Ðó là những người nước ngoài viết về sự hy sinh của các Anh hùng, liệt sĩ Việt Nam, còn theo những người trong Ban Quản lý khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Ðền Bến Dược, đền tưởng niệm không chỉ là sự tưởng nhớ và tôn vinh, đó còn là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay để tạo nên sự ấm áp, thanh thản trong tâm hồn những thân nhân liệt sĩ khi tìm về  trước hương hồn những người đã hy sinh vì sự nghiệp  giải phóng dân tộc.




 Ðền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Củ Chi là một công trình tập hợp những đóng góp vật chất và trí tuệ của đồng bào, của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân. Mỗi người đóng góp bằng sự nhiệt tình của trái tim cháy bỏng, của đạo lý và trí tuệ trong sáng,  để làm nên một quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc. Ðền xây dựng trên một vùng đất rộng bảy ha và bắt đầu đón khách viếng thăm từ ngày 19-12-1995. Ðền  tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, thoáng đãng, mang bản sắc văn hóa Việt. Cổng tam quan trước đền mang phong cách kiến trúc cổ truyền, có hoa văn, họa tiết, mái cong của những cổng đình làng. Chính giữa là biển đề “Ðền Bến Dược” và trên các thân cột ghi những câu đối của nhà thơ Bảo Ðịnh Giang: “Trải tấm lòng son vì đất nước/Ðem dòng máu đỏ giữ quê hương/Lòng biết công ơn, nhang thơm một nén, Ðời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm”. Sau cổng tam quan là khu nhà văn bia, đặt tấm bia đá cao 3 m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia được lấy từ một khối đá nặng 18 tấn ở dãy Ngũ Hành Sơn của Ðà Nẵng, chạm khắc tinh xảo với bài văn bia tựa đề “Ðời đời ghi nhớ” của nhà thơ Viễn Phương, chọn từ 217 bài văn của các tác giả ở 29 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bài văn bia vừa thể hiện hào khí bi hùng, lòng nhân hậu của dân tộc, vừa thắm đượm nghĩa tình cao cả, đằm thắm của biết bao đồng chí, đồng bào đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để làm nên những trang lịch sử vẻ vang. Chính giữa khu vực đền tưởng niệm Bến Dược là tòa tháp cao chín tầng, có nhiều văn hoa, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi “đất thép thành đồng”. Ðứng trên tầng cao của tháp,  có thể ngắm nhìn một phần của vùng căn cứ cách mạng. Khuôn viên khu vực đền là thảm công viên hoa và cây xanh mượt mà, tươi đẹp cùng nhiều loại cây cảnh quý do nhiều nghệ nhân và các nơi gửi tặng. 




Bước chân vào Ðền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, chúng tôi như được hòa mình vào sức sống ngập tràn của mầu xanh hoa lá và bầu trời vùng ven đô  xanh ngắt. Nói như cô gái trẻ hướng dẫn viên du lịch Kim Anh, Bến Dược – Củ Chi là sự trở về thanh thản của tâm hồn để cảm nhận một cách sâu sắc nhất về sức sống mãnh liệt trường tồn của dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *