Phủ kín nhà ở xã hội











Sinh viên ĐH Bách khoa ôn bài trong phòng ở ký túc xá. Ảnh: MAI HẢI

Sau khi có nghị quyết của Chính phủ về chính sách nhà ở cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể phát triển nhà ở cho sinh viên thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở cho người thu nhập thấp. Như vậy, cùng với chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, Chính phủ đã “phủ kín” chính sách nhà ở xã hội. Cơ hội có nhà ở của các đối tượng khó khăn nhất đang dần thành hiện thực.


Ưu tiên sinh viên ngoại tỉnh


Theo quyết định của Chính phủ, Nhà nước trực tiếp đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên (SV) thuê để ở trong quá trình học tập. Phấn đấu đến năm 2015 giải quyết cho khoảng 60% số HS, SV có nhu cầu được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở trên địa bàn cả nước.


Chính phủ quy định rõ, giá cho thuê nhà ở SV tại các dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước do UBND cấp tỉnh quy định theo nguyên tắc chỉ tính đủ các chi phí quản lý, vận hành và bảo trì (không tính chi phí khấu hao).


Giá cho thuê nhà ở SV tại các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước do UBND cấp tỉnh phê duyệt theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước vào giá thuê và đảm bảo lợi nhuận định mức tối đa 10%, với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm. HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn để thanh toán tiền thuê nhà.


Đối với dự án nhà ở SV tập trung, sẽ ưu tiên SV học tại các trường trong khu vực. Trường hợp không đủ chỗ bố trí cho nhu cầu thì sắp xếp thứ tự ưu tiên như sau: SV ngoại tỉnh, SV nghèo, SV học giỏi, SV năm đầu tiên. Ngay trong năm 2009 sẽ khởi công xây dựng các khu nhà cho SV, hoàn thành vào năm 2010 và quý II năm 2011 sẽ có khoảng 200.000 chỗ ở cho SV.


Năm 2015: 50% công nhân có chỗ ở 


Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (CNKCN), quyết định của Chính phủ nêu rõ, Nhà nước tạo điều kiện ưu đãi và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Phấn đấu đến năm  2015 có khoảng 50% CN lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.


Quyết định nêu rõ, Ban Quản lý KCN của địa phương hoặc doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở CN (chủ đầu tư cấp I). Chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng KCN phải tổ chức  xác định nhu cầu  về nhà ở cho CNKCN, đồng thời tổ chức lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ở cho CN gắn với KCN đó.


Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng khu nhà ở CN, chủ đầu tư cấp I có thể tự đầu tư xây dựng nhà ở hoặc chuyển giao đất đã có hạ tầng để các doanh nghiệp sản xuất trong khu KCN, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở (chủ đầu tư cấp II) đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cho công nhân thuê.


Giá cho thuê nhà ở CNKCN do UBND cấp tỉnh phê duyệt căn cứ đề nghị của chủ đầu tư, theo nguyên tắc không được tính các ưu đãi của Nhà nước, không tính các khoản chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở CNKCN (đã được phân bổ vào giá thuê đất KCN) vào giá thuê  và bảo đảm lợi nhuận định mức tối đa 10%, với thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.


Nhiều ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở CNKCN cũng đã được Chính phủ quy định. Theo đó, ưu tiên cho thuê đối với các trường hợp CN ngoại tỉnh có hợp đồng lao động tại KCN nơi có dự án nhà ở CN, CN có thu nhập thấp, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở tạm bợ.


Nhà ở cho người có thu nhập thấp: Được trả góp tối thiểu 10 năm


Thủ tướng cũng đã có quyết định ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp (TNT) tại khu vực đô thị. Theo đó, chủ đầu tư dự án nhà ở TNT được kinh doanh theo phương thức bán (trả một lần hoặc trả góp), cho thuê, cho thuê mua cho người có TNT, khó khăn về nhà ở.


Giá bán nhà ở TNT do chủ đầu tư dự án xây dựng theo nguyên tắc tính đủ chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức tối đa là 10% chi phí đầu tư; không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán nhà ở.


Giá cho thuê, thuê mua nhà ở TNT do chủ đầu tư dự án xây dựng theo nguyên tắc tính đủ chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay (nếu có), chi phí quản lý, vận hành và lợi nhuận định mức tối đa là 10% chi phí đầu tư; không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá thuê, thuê mua nhà ở; thời hạn thu hồi vốn tối thiểu là 20 năm.


Trường hợp mua trả góp và thuê mua nhà ở TNT thì người mua, thuê mua nhà ở nộp tiền lần đầu không quá 20% giá nhà ở, trừ trường hợp người mua, thuê mua có thỏa thuận khác với bên bán. Thời hạn trả góp, thuê mua do bên bán, bên mua, thuê mua tự thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 10 năm.







Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (sẽ triển khai mạnh từ tháng 5-2009), hiện các bộ ngành liên quan đã lên được danh sách hỗ trợ về nhà ở cho gần 63.000 hộ nghèo ở 61 huyện nghèo.


Theo Bộ LĐ-TBXH, ngân sách T.Ư. sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ nghèo ở địa bàn khó khăn được hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, những hộ dân nào có nhu cầu vay vốn làm nhà cũng được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 8 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm.


Thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.



Theo SGGP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *