Quy hoạch đô thị: Lo cho “khung” pháp lý












Chưa đầy một tháng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức liên tiếp hai hội thảo khoa học góp ý cho dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị. Hội tụ khá đầy đủ các chuyên gia trong ngành quy hoạch và một số ngành liên quan như xây dựng, đất đai, kinh tế, các chuyên gia đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dự luật được đánh giá là sẽ có tác động lớn đến tương lai của các đô thị.

Những lo ngại về các vấn đề (thậm chí cả từ ngữ) chưa chuẩn xác, thiếu phù hợp của dự luật được bàn thảo trên tinh thần đóng góp, với cái nhìn của những người thực sự trong cuộc, có kinh nghiệm thực tế đúc kết từ quá trình làm nghề hay làm công tác quản lý.


Qua hội thảo lần đầu tổ chức ngày 9/4/2009, nhiều góp ý đã được chuyển tới cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng), song theo phản ánh của các chuyên gia tại hội thảo lần hai tổ chức ngày 28/4/2009, việc tiếp thu còn rất hạn chế.



Còn nặng tư duy… kinh tế chỉ huy



Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – Phạm Sỹ Liêm cho rằng, dự thảo luật vẫn mang nặng tư duy về một nền kinh tế chỉ huy, được kế hoạch hóa cao độ, không theo cơ chế thị trường. “Đô thị đang phát triển mạnh mẽ nếu Luật mà “cầm tay chỉ việc”, quy định quá cụ thể, chi tiết sẽ lặp lại tình trạng bấy lâu nay, đó là quy định chưa đưa vào thực thi đã lỗi thời. Trong khi vấn đề lớn của đô thị là tình trạng đô thị hóa tự phát, lộn xộn, không được đề cập thì Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch, rồi chức danh Kiến trúc sư trưởng, chỉ là công cụ để thực thi lại được đưa vào dự luật” – TS Liêm nói.



Về chức danh Kiến trúc sư trưởng, nhiều ý kiến không đồng tình với việc đưa chức danh này vào Luật. TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, chính ông khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia vào việc quyết định áp dụng mô hình Kiến trúc sư trưởng ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh sau khi tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, nhưng quả thực mô hình này đã thất bại vì không phù hợp. TS Lê Thế Hữu – Hội Kinh tế Việt Nam thẳng thắn đánh giá: Đưa chức danh Kiến trúc sư trưởng vào dự thảo Luật là một sự “cẩu thả”. Một chức danh không cụ thể, mập mờ khó hiểu. Nghị định 13 của Chính phủ ban hành chưa lâu đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở Quy hoạch Kiến trúc, vậy mà tính đến chuyện xóa bỏ.



Thực tế, sau khi mở rộng, hơn lúc nào hết, đô thị đặc biệt – thủ đô Hà Nội – cần có một sở chuyên ngành với lực lượng cán bộ chuyên sâu, dầy dặn kinh nghiệm, thông tỏ địa bàn, để quy hoạch thành phố đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu mới. Việc cần làm lúc này là kiện toàn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, chứ không phải lắp ráp một mô hình xa vời, thiếu căn cứ.



Về trách nhiệm lập quy hoạch đô thị quy định tại Khoản 1 Điều 21 của dự thảo Luật, ý kiến chung của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo. Chính quyền đô thị là cấp chủ yếu chịu trách nhiệm về đô thị, vì vậy dù là đô thị loại nào cũng nên do chính quyền đô thị tổ chức lập quy hoạch đô thị. Bộ Xây dựng là cơ quan nhà nước chỉ tổ chức thẩm định, kiểm tra, chỉ đạo, không tổ chức lập quy hoạch đô thị..



Cần thay đổi từ quan niệm



TS Phạm Sỹ Liêm nhận định, quy hoạch là một quá trình, không phải là một sản phẩm, nên sẽ rất nguy hiểm khi các nhà quản lý coi rằng hoàn thành một bản vẽ quy hoạch là hoàn thành trách nhiệm quy hoạch đô thị. “Hậu quả của tư duy này chính là việc, hàng loạt công trình kiên cố mọc lên theo sau đường cao tốc vừa hoàn thành, là hàng trăm đồ án quy hoạch được duyệt một cách bừa bãi. Ai quy hoạch mười mấy cái sân golf ở một tỉnh? Ai duyệt hàng trăm đồ án quy hoạch đang phải rà soát tại Hà Nội? Những người vi phạm ấy bị xử lý thế nào. Chẳng ở đâu nói và dự luật quy hoạch đô thị cũng không đề cập” – TS Liêm nói.



Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT – Đặng Hùng Võ ngạc nhiên khi đã trải qua nhiều kỳ tiếp thu, chỉnh lý và đang bước vào giai đoạn cuối cùng để thông qua, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị vẫn hoàn toàn chưa làm rõ được mối quan hệ trong tam giác chính quyền đô thị – nhà tư vấn quy hoạch – người dân. Điều mà theo ông Võ: “Tối quan trọng để một đạo luật như Luật Quy hoạch đô thị có thể khả thi”.



Tại hội thảo, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn, trước khi xây dựng Luật Quy hoạch đô thị phải thay đổi, làm rõ quan điểm về quy hoạch. “Trên thế giới, quy hoạch đô thị đã thoát xác khỏi khái niệm khô cứng về thiết kế kiến trúc, nó được tích hợp bởi nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội học, môi trường…” – ông Đặng Hùng Võ nói.


 



Song Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *