Trang chủ » “Mổ xẻ” sân golf

“Mổ xẻ” sân golf












KTĐT – Sáng 6/5 tại Hà Nội, gần 100 nhà khoa học đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chủ các sân golf đã tham dự hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” do Tổng hội Xây dựng VN tổ chức. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được giới chuyên môn đưa ra “mổ xẻ” nhằm làm rõ những tác hại cũng như tác động tích cực, qua đó có cái nhìn chính xác hơn, góp phần xây dựng được định hướng chiến lược kiểm soát phát triển hệ thống sân golf tại Việt Nam

Nhiều quan điểm trái chiều


Dư luận trong mấy năm gần đây về sự phát triển sân golf đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Luồng ý kiến phản đối phê phán sân golf một cách nặng nề trên cả 3 mặt: chiếm dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường, tạo sự bất bình đẳng xã hội. Dòng ý kiến đồng tình thì cho rằng sân golf mang lạinhững hiệu quả rất tốt cho đời sống, hiệu quả kinh tế – xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về tình trạng một số địa phương cho đầu tư quá nhiều các dự án sân golf. Trong đó, nhiều người quan tâm đến hiện tượng này cho rằng sự nóng lòng thu hút đầu tư của các địa phương bằng việc cho phát triển ồ ạt các sân golf sẽ ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân… Song, cũng có nhiều ý kiến khác nói rằng sân golf không ảnh hưởng môi trường mà trái lại còn làm đẹp cảnh quan, đầu tư phát triển sân golf sẽ góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài…



Theo ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, vấn đề lớn nhất là chưa có quy hoạch tổng thể cho loại hình du lịch – thể thao – kinh tế này. Sự phát triển manh mún, thiếu liên kết với phát triển đô thị, giao thông, du lịch, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội khác đã khiến chúng ta chưa kiểm soát được nó, chúng ta chưa có những tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm khống chế nguồn ô nhiễm từ sân golf.



GS.Tôn Gia Huyên – Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng, việc hình thành hệ thống sân Golf hiện nay thể hiện tính tự phát rất rõ, phần lớn là phụ thuộc vào ý muốn của các nhà đầu tư. Trong số 139 dự án sân Golf thì chỉ có 41 dự án (7.095 ha) là được ghi rõ trong quy hoạch, còn lại là hoàn toàn không có trong quy hoạch (57 dự án/18.746 ha) hoặc lấn vào diện tích dành chung cho hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, cảnh quan môi trường (41 dự án/15.071 ha).



Để có được 23.832 ha đất cho 76 dự án sân Golf đã và đang triển khai thì phải thu hồi 9.847 ha đất nông nghiệp, trong đó 1.847 ha là đất trồng lúa nước. Diện tích đất nông nghiệp, đất trồng lúa nước sẽ còn bị tổn thất nhiều hơn khi các dự án này triển khai ở các tỉnh đồng bằng như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… Việc dùng đất nông nghiệp, đất trồng lúa làm sân Golfkhông chỉ tạo ra một bộ phận nông dân không còn đất hoặc trở nên thiếu đất mà còn làm cho đồng ruộng bị chia cắt, làm biến đổi cơ cấu nông nghiệp của địa phương, làm rối loạn sinh hoạt và sản xuất của nông dân bản địa.



Cần cẩn trọng từ quy hoạch đến quá trình làm dự án



Điều cần lưu ý đó là chính quyền địa phương phải đặc biệt thận trọng với quy trình phê duyệt dự án của mình. Vì vậy, các quan quản lý chuyên ngành phải là những người đồng hành với các nhà đầu tư phát triển, tác động đến công việc thiết kế nhằm tạo ra các sân golf đạt tiêu chuẩn, phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý. Đặc biệt quan trọng chiến lược trong quá trình phát triển sân golf là lập kế hoạch trong giai đoạn thiết kế của toàn bộ dự án. Qui hoạch cơ sở hạ tầng tốt và sân golf tốt, nhà đầu tư sẽ thu hút được các tay golf. Những người say mê golf sẽ lưu lại, chơi golf và chi tiêu trong khu nghỉ mát và những vùng lân cận, tạo nên động lực kinh tế chung…



Theo PTS.TS. Lưu Đức Hải – Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, cần có quy hoạch phát triển chính thức, tránh tình hình sử dụng đất ngoài mục đích, đặc biệt là phải có đánh giá đầy đủ về tác động đối với môi trường. Trong quy hoạch phát triển, nhiều đô thị nước ta đã xác định các mảng xanh với diện tích hàng trăm hecta trên bản đồ quy hoạch. Điều này sẽ khó trở thành hiện thực nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước. Mặt đất với những rặng cây thảm cỏ xanh mướt với những mảng xanh phủ kín là điều kiện lý tưởng cho thấy một quy hoạch phát triển đô thị bền vững. Sự phát triển của sân golf mang lại thêm nhiều mảng xanh mà ngân sách nhà nước không phải đầu tư. Vì thế sân golf cũng là loại hình công viên, là quỹ đất dự trữ và còn chứa đựng nhiều yếu tố cần thiết đối với một đô thị phát triển. Tuy nhiên “công viên” với diện tích lớn như vậy dành cho ai thì lại là vấn đề xã hội đang quan tâm


 



Song Hà (ghi)

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.