|
Chung sống với khí thải
Có mặt tại ngõ 253 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy) – đoạn giáp với Công ty cổ phần Dệt 10/10 vào đầu giờ sáng, chúng tôi nhận thấy, không khí nơi đây đang khỏa lấp một mùi hăng hắc khó ngửi. Chị Lệ, cư trú tại tổ 51, phường Vĩnh Tuy không giấu được sự bức xúc: “Không ngày nào mà chúng tôi không phải ngửi cái mùi hôi khó chịu này.
Vào những lúc “căng” – thời điểm mà lượng khí thải xả ra môi trường lên đến cực điểm, các thành viên trong gia đình còn phải “trốn” đi nơi khác ở để lánh nạn”. Trò chuyện với bác Lê Thị Thu, Tổ trưởng tổ 51, chúng tôi được biết, đã hơn 5 năm nay, hàng chục hộ dân cư của tổ 51 vẫn phải ngày đêm sống chung với mùi hôi khó chịu trên. Nhiều người dân sau khi hít phải khí này đã bị đau đầu, khó thở…
Nói về căn nguyên của sự xuất hiện mùi hôi, khét này, bác Thu cho biết: Đây là hiện tượng bắt nguồn từ hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Dệt 10-10 tọa lạc gần đó. Theo bác Thu, tổ dân phố đã nhiều lần gửi đơn phản ánh, kiến nghị tới lãnh đạo Công ty cổ phần Dệt 10-10 cũng như chính quyền địa phương với mong muốn các đơn vị này sớm có biện pháp khắc phục triệt để.
Đồng cảnh ngộ với người dân sinh sống trong con ngõ 253, 51 hộ gia đình thuộc tổ 49 – cụm dân cư số 9 (phường Vĩnh Tuy) nằm cách đó không xa cũng đang ngày đêm phải sống chung với mùi khét khó ngửi.
Tiếp xúc với chúng tôi, bác Nguyễn Thị Huệ – Tổ trưởng tổ 49 cùng đại diện một số hộ dân cư bức xúc cho biết: Hễ có gió Đông Nam xuất hiện là y như rằng, các gia đình sinh sống ở nơi đây phải gánh chịu một mùi hôi hăng hắc khó ngửi.
Nhiều biện pháp được người dân thiết lập ra với mục đích ngăn chặn sự “tấn công” của khí thải như: Bật quạt, đóng kín cửa, đeo khẩu trang… Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không hề thuyên giảm. Đứng trước tình cảnh này, có không ít hộ dân đã chuyển đến nơi khác để sinh sống, làm việc.
Cũng theo bác Huệ và đại diện một số hộ dân cư này, việc tồn tại khí thải có mùi hôi trên hiện còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của hàng trăm cháu nhỏ đang theo học tại trường mẫu giáo tư thục đóng trên địa bàn.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, ngoài hai tổ dân phố trên, hiện có hàng trăm hộ dân cư sinh sống quanh khu vực có xưởng sản xuất trực thuộc Công ty cổ phần Dệt 10/10 hoạt động cũng đang hết sức bức xúc trước việc sống chung cùng khí thải có mùi khét khó ngửi. Ngày 5/5, đại diện hàng trăm hộ dân cư này cũng đã họp bàn đồng thời tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Sẽ có những biện pháp giải quyết dứt điểm
Đem nỗi niềm cũng như sự thắc mắc trên của các hộ dân đến trao đổi với đại diện Công ty cổ phần Dệt 10/10, chúng tôi được ông Mai Lân – Trưởng phòng Tổ chức cho biết: Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Dệt 10/10 có diện tích gần 10.000m2 đang hoạt động trong con ngõ 253 hiện nay được hình thành và đi vào sản xuất từ năm 1983.
Thời điểm xây dựng nhà máy, diện tích đất xung quanh vẫn còn hoang hóa, cư dân sinh sống thưa thớt không tập trung đông như bây giờ. Là một trong những đơn vị cung ứng sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu (chủ yếu là màn tuyn), nên sản lượng mà công ty làm ra luôn đạt khối lượng lớn. Bình quân một tháng có trên một triệu sản phẩm xuất ra thị trường (cả trong và ngoài nước).
Việc phản ánh của người dân về tình trạng lượng khí thải ra môi trường là khó tránh khỏi, công ty cũng đã tiến hành xây lắp những hệ thống, trang thiết bị nhằm hạn chế sự thoát khí ra môi trường như: Ống dẫn khói, giàn lọc khí v.v…
Tuy nhiên, do lượng sản phẩm hiện nay làm ra nhiều, trong khi hệ thống lọc khí lại lạc hậu, nên lượng khí thải có mùi khét – hệ quả của việc sử dụng nhiệt để sấy khô sản phẩm màn tuyn vẫn chưa thể kiểm soát, triệt tiêu hết được.
Lãnh đạo công ty mới đây cũng đã làm việc với Trung tâm Ứng dụng công nghệ – Đại học Bách khoa Hà Nội để tiến tới cho xây lắp mới hệ thống lọc khí có công nghệ tiên tiến hiện đại. Theo dự tính, sau khi đã dự toán và triển khai lắp đặt, hệ thống xử lý khí thải tiên tiến trên sẽ đi vào hoạt động. Người dân không còn phải sống chung với mùi khét như hiện nay nữa.
Đề nghị Công ty cổ phần Dệt 10/10 cần sớm triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục thực trạng trên
Theo CAND