Những tưởng ở ngay trên địa bàn có lợi thế đất đai rộng, tỉnh Bình Phước dễ dàng thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình 134, nhất là chỉ tiêu cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thế nhưng, đó lại đang là vấn đề “đau đầu” của lãnh đạo tỉnh và các địa phương của Bình Phước.
Thực hiện Chương trình 134 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Phước đã thực hiện cấp 2.576 căn nhà, cấp hơn 63 ha đất ở cho 2.530 hộ, hoàn thành 100% kế hoạch, xây dựng 109 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Riêng cấp đất sản xuất, các huyện thị đã thực hiện việc khai hoang và cấp đất sản xuất được 1.627 ha đạt 73,3% kế hoạch, với 2.179 hộ đạt 66% kế hoạch đề án phê duyệt. Tuy nhiên, tại hai huyện Phước Long và Bù Đăng, nhiều hộ đồng bào đã nhận đất nhưng vẫn chưa thể sản xuất do đã bị các hộ dân di cư tự do xâm canh, tái lấn chiếm. Ông Điểu Huyền Lít, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: Toàn huyện đã giao được 512 ha đất cho 669 hộ, nhưng hiện mới có 290 ha là đồng bào đưa vào sản xuất được, còn lại đã bị những hộ di dân ngoài kế hoạch xâm canh, tái lấn chiếm sau khi các cơ quan chức năng thu hồi lấy đất thực hiện Chương trình 134. Vừa qua, huyện đã tổ chức thu hồi được hơn 65 ha ở xã Đắc Ơ, hiện còn hơn 100 ha sẽ được thu hồi trong thời gian tới.
Còn tại các huyện Chơn Thành, Bình Long do đặc thù, hầu hết diện tích đất đã quy hoạch sử dụng cho phát triền công nghiệp, cây công nghiệp, không còn quỹ đất để thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào ở địa phương. Huyện Bình Long mới thực hiện cấp đất cho 116 hộ với 96 ha, đạt 14% kế hoạch. Huyện Chơn Thành chưa có hộ nào được hỗ trợ đất sản xuất trong tổng số 212 hộ, với nhu cầu 260 ha đất. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Long, cho rằng: Việc bố chí đất sản xuất tại chỗ cho đồng bào là rất khó, những diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp bây giờ lấy lại rất khó. Giải pháp hợp lý là tỉnh chỉ đạo một huyện nào đó bố trí và giao đất lại cho huyện để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.
Ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Bình Phước, cho rằng: Để khắc phục, giải quyết những khó khăn vướng mắc để tỉnh sớm hoàn thành Chương trình 134, các địa phương cần rà soát kỹ lại số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng thụ chương trình, tạo điều kiện sớm cấp đất sản xuất cho bà con canh tác. Đối với những nơi đã cấp đất cho đồng bào rồi, các huyện, thị xã cần nhanh chóng đo đạc, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào. Qua đó, dựa vào đây để làm căn cứ xử lý các vụ lấn chiếm đất trái phép. Những diện tích bị lấn chiếm, cần thu hồi theo đúng quy trình, phải vận động thuyết phục trước khi tiến hành cưỡng chế.
Theo lãnh đạo các huyện, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cần tiền hành rà soát lại các doanh nghiệp đã giao đất lâm nghiệp, đất rừng chuyển đổi phát triển kinh tế mà không triển khai sau 12 tháng để làm thủ tục thu hồi, lấy đất thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ. Những diện tích đất tái lấn chiếm, sau thu hồi cần liên kết với các công ty cao su trên địa bàn để trồng cây cao su, sau đó phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận.
Bình Phước cũng đã giao cho hai huyện Phước Long và Bù Đăng xem xét và tìm vị trí đất phù hợp để hỗ trợ hai huyện Chơn Thành và Bình Long thực hiện việc cấp đất sản xuất cho đồng bào. Đồng thời, yêu cầu các huyện cần sớm thực hiện ổn định lại dân di ngoài kế hoạch từ nơi khác đến, tránh tái diễn tình trạng xâm canh, tái chiếm đất đã giao cho đồng bào theo Chương trình 134./. |