|
KTĐT – Ở ngoại thành HN, hầu hết nước thải sinh hoạt, nước sản xuất của các làng nghề đều thải ra môi trường không qua hệ thống xử lý nên gây ô nhiễm nặng môi trường nước mặt, đặc biệt nước các sông (sông Đáy, sông Nhuệ…) đều có màu đen, mùi hôi thối, cá và thuỷ sinh trên sông đều bị chết.
Cá và thuỷ sinh không thể sống ở một số sông
Hiện TP mới có 5 trạm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt (Kim Liên, Trúc Bạch, Mỹ Đình 2, Nội Bài, Bắc Thăng Long – Vân Trì), còn lại hầu hết nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất (chăn nuôi, chế biến nông sản, làng nghề…) tại khu vực nông thôn đều thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Huyện Chương Mỹ có 31/180 làng nghề đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, các làng này đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm về nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm về không khí do các hoạt động sản xuất về mây, tre, giang đan.
Huyện Hoài Đức nằm ven sông Đáy, có hệ thống kênh, mương dày đặc, nhưng do tổng lượng nước thải công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gần 5 triệu mét khối/năm, hầu hết đều không qua xử lý nên đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Trong đó, nước thải chế biến nông sản ở 5 xã (Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, La Phù, Đức Giang) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Chính vì vậy, môi trường nước dưới đất cũng rất đáng báo động. Năm 2005, huyện Hoài Đức lấy 1.396 mẫu nước ở huyện này đem phân tích. Nhiều mẫu cho thấy có chỉ tiêu asen vượt giới hạn cho phép: Thấp nhất cũng từ 5-10% (172 mẫu), cao là vượt từ 50-125 lần (63 mẫu). Huyện này có 3 sông chảy qua (sông Đáy, sông Bùi và sông Tích) và khá nhiều hồ lớn với tổng trữ lượng khoảng 20 triệu mét khối. Và nhiều người cho rằng, nếu lấy mẫu bây giờ, thì các chỉ số này chắc còn cao hơn nhiều.
Đô thị “lấn chiếm”… bãi rác
Nếu như nước thải vẫn đang là bài toán khó giải thì rác thải rắn là vấn đề nan giải không kém và thực sự bức xúc. Chỉ riêng huyện Hoài Đức, mỗi năm trung bình có lượng chất thải sinh hoạt là 32.600 tấn và chất thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 122.168 tấn. Trong khi đó, nhiều bãi rác ở một số xã ở huyện này đã đầy, nhưng chưa bố trí được bãi chôn lấp mới.
Đặc biệt, bãi rác ở một số xã lại bị thu hồi để làm khu đô thị mới. Kết quả, có tới 6 xã, thị trấn không có bãi chôn lấp rác hoặc bãi tập kết rác tạm thời (Di Trạch, Vân Canh, An Khánh, An Thượng, La Phù, thị trấn), dẫn đến lượng chất thải rắn tồn đọng tại các xã này khoảng 4.600 tấn. Với các xã làng nghề như Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, việc thu gom vẫn chuyển chất thải rắn chủ yếu là chất thải sinh hoạt, còn chất thải làng nghề thì hầu như không giải quyết được.
Còn tại huyện Phú Xuyên, một phần rác thải sinh hoạt được chuyển ra các điểm đổ rác, còn lại thường bị vứt bừa bãi tại các nơi công cộng… gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Sở TNMT, đến nay một số huyện thuộc khu vực Hà Tây cũ chưa thu gom rác thải nông thôn và còn 11 huyện đổ rác tại bãi lộ thiên hoặc tận dụng ao hồ làm nơi chứa rác, không có hệ thống thu gom nước rác gây ô nhiễm môi trường cả nước mặt và nước ngầm.
Riêng phân bùn bể phốt (kể cả tại các cơ sở y tế) quản lý còn thiếu chặt chẽ. Không hiếm trường hợp các đơn vị dịch vụ hút phân bùn bể phốt xả thẳng ra môi trường tự nhiên hoặc bán cho các cơ sở nuôi cá (kết quả khảo sát của đoàn khảo sát của HĐND TP.Hà Nội). |
Theo LĐ