Hà Nội: Tái diễn lấn chiếm lòng, hè đường










Sau gần một năm thực hiện thực hiện Quyết định 02 và và Quyết định 20 (của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường… quản lý hàng rong, trật tự đô thị trên một số tuyến phố chính đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên gần đây, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, tình trạng vi phạm lại tái diễn.



TP Hà Nội chọn 62 tuyến phố và 48 di tích lịch sử-văn hoá cấm kinh doanh buôn bán trên hè và 56 tuyến phố cấm để xe máy, xe đạp, ôtô trên hè phố, lòng đường nhằm bảo đảm công tác quản lý đô thị hiệu quả mà không gây xáo trộn sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân. Nhiều phường đã huy động cả hệ thống chính quyền, các đoàn thể cùng vào cuộc, tham gia giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức cho các hộ dân trên các tuyến phố ký cam kết thực hiện tự quản lý vỉa hè, lòng đường. Sở GTVT phối hợp với các quận sắp xếp 392 điểm trông giữ xe đạp, xe máy trên các tuyến phố, kẻ vạch sơn trên hè 645 tuyến phố để sắp xếp xe đạp, xe máy.



Nhưng những tháng gần đây, chỉ còn lại một nửa trong số 62 tuyến phố cấm buôn bán kinh doanh trên vỉa hè và 56 tuyến phố cấm để xe máy, xe đạp trên vỉa hè, đỗ ôtô dưới lòng đường còn duy trì được “đường thông, hè thoáng”. Các tuyến phố còn lại tình trạng các vi phạm vỉa hè, tái lấn chiếm để kinh doanh, đỗ dừng xe lộn xộn. Đoạn vỉa hè trước trường THPT Phan Đình Phùng (phố Phan Đình Phùng, Q.Ba Đình) bỗng biến thành điểm đỗ xe. Ôtô, xe máy được trông giữ cả ngày lẫn đêm cho dù đây là tuyến phố cấm. Ngay tuyến phố Huế (Q.Hai Bà Trưng) đã từng được đánh giá là “thay da, đổi thịt” trong thời gian đầu thực hiện, nay đang dần tái hiện diện mạo cũ. Từ ngã tư phố Huế – Đại Cồ Việt đến hết phố Hàng Bài, hàng rong lại mặc nhiên “tung hoành” tái phạm. Tại các cửa hàng buôn bán, tình trạng khách để xe dưới lòng đường thoải mái. Dọc tuyến phố Hàng Đào, Lương Văn Can… người đi bộ lại bị đẩy xuống lòng đường bởi sự lấn chiếm vỉa hè của các loại hàng hoá được bày bán la liệt, công khai trên vỉa hè. Lộn xộn nhất là tuyến đường Đê La Thành (Q.Đống Đa). Đây là tuyến đường hẹp, lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh nên bị cấm để xe trên vỉa hè, đỗ xe dưới lòng đường nhằm tránh ùn tắc giao thông. Song, chỉ nghiêm túc thực hiện được không quá 10 ngày, sau đó “đâu lại vào đó” hè phố lại bị tái lấn chiếm làm nơi đóng đồ gỗ gia dụng, đóng cửa sắt, xe máy dựng chắn ngang trên hè phố, lòng đường và nạn tắc đường lại tái diễn như cơm bữa. Vỉa hè các tuyến phố Trương Định, Thái Hà, Chùa Bộc khi TP lên đèn (sau 18h) đã bị biến thành những khu chợ đêm “sầm uất’. Quần áo, túi xách, giày dép và cả hàng ăn đêm… được bày bán la liệt. Tất cả minh chứng rõ việc “quản” vỉa hè, lòng đường thí điểm trên một số tuyến phố sau gần một năm thực hiện đang bị buông lỏng, vi phạm có chiều hướng tái diễn.



Nguyên nhân trước hết là do sự lơi lỏng, thiếu kiên trì, liên tục thực hiện của các lực lượng chức năng, nhất là vào những ngày nghỉ và thời điểm sau giờ hành chính. Nguyên nhân nữa khiến việc quản lý vỉa hè, lòng đường chưa có kết quả vững chắc là nhiều tuyến phố chưa được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiếu vỉa hè, điểm trông giữ xe, hệ thống chợ dân sinh còn ít. UBND TP đã chỉ đạo các ngành chức năng sớm đẩy nhanh việc xây dựng các điểm giao thông tĩnh, làm nơi trông giữ xe máy, ôtô cũng như lập các phương án sắp xếp quản lý các hàng rong, các dịch vụ như bán xổ số, cắt tóc, bán báo… Nhưng đến nay những phương án trên vẫn chưa được triển khai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *