Tất cả cán bộ liên quan đều phải vào cuộc



KTĐT – Giải quyết các trường hợp vi phạm quản lý đất đai và trật tự xây dựng vẫn đang được coi là vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý đô thị quận Tây Hồ trong những tháng đầu năm 2009.


 


Không có vi phạm mới về lấn chiếm đất đai


 


Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, trong lĩnh vực quản lý trật tự đất đai, tính đến hết 4/2009, trên địa bàn đã không phát sinh vi phạm mới, nhưng vi phạm cũ tồn tại vẫn nhiều. Quận đã tiến hành rà soát, phân loại các trường hợp đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 đến nay (hơn 70 trường hợp), nhưng chưa thể thực hiện hết, để từ đó có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo các phường triển khai, đặc biệt là tại hai phường Yên Phụ và Phú Thượng. Đây là hai địa bàn tồn tại nhiều trường hợp nhất. Trong đó có rất nhiều trường hợp không có đầy đủ hồ sơ lưu trữ, rất khó trong quản lý. Hiện quận đã ban hành được 11 quyết định thu hồi đất, với tổng diện tích 5.235,8 m2, tại đầm cụm 1 (Phú Thượng), thực hiện được 4 quyết định thu hồi đất tại phường Tứ Liên và giao diện tích sau khi thu hồi cho Trung tâm phát triển quỹ nhà và duy tu hạ tầng đô thị quận, 18 quyết định thu hồi đất khác tại phường Phú Thượng với diện tích 7.978 m2 cũng được giao cho phường tạm quản lý.


 


Quận cũng chỉ đạo UBND các phường lập hồ sơ, dữ liệu các khu vực đất công dễ bị lấn chiếm để đưa vào quản lý. Hiện có 4 phường của quận như Phú Thượng, Nhật Tân, Thụy Khuê, Tứ Liên đã thực hiện xong việc quay camera, chụp ảnh các khu đất dễ bị lấn chiếm. Tuy nhiên, do quận có nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư, làng xóm cũ, làm cho công tác quản lý đất nông nghiệp khó khăn. Tình trạng tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, mua bán, chuyển nhượng trái phép vẫn còn tiếp diễn.


 


Xây dựng không phép, trái phép tồn tại nhiều


 


Trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, trong những tháng qua quận đã cấp được 129 giấy phép xây dựng (trong đó có 31 giấy phép tạm). Một điểm đáng lưu ý là hiện tượng xây dựng không phép, trái phép vẫn tồn tại nhiều. Trong tổng số 75 công trình xây dựng, thì chỉ có 47 công tình xây dựng có phép. Còn lại là xây dựng không phép trên đất thổ cư ngoài đê sông Hồng (19 trường hợp), xây dựng không phép trên đất cơ quan quản lý (1 trường hợp), xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (4 trường hợp), xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm (4 trường hợp). Thanh tra xây dựng quận và các phường cũng đã cưỡng chế 8 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đình chỉ thi công 1 trường hợp và ra quyết định phạt tiền 19 trường hợp.


 


Theo ông Nguyễn Phúc Quang, chủ tịch UBND quận, vấn đề quản lý trật tự xây dựng, đô thịcủa quận vẫn còn nhiều bức xúc. Yếu tố khách quan là do đặc thù của quận có nhiều phường ngoài đê, đất nông nghiệp xen kẽ. Điều đáng nói hơn là một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan chuyên môn và các phường, nên việc xử lý vi phạm bịkéo dài. Chất lượng cán bộ trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu năng lực chuyên môn.


 


Hiện quận vẫn còn tồn tại 34 trường hợp vi phạm tồn đọng về trật tự xây dựng trong năm 2007 mà các phường đều có văn bản đề nghị tạm thời cho tồn tại. Để chấn chỉnh tình hình này, ngoài việc rà soát, thay thế những cán bộ không có năng lực tại các phường, quận có yêu cầu các đối tượng từ chủ tịch phường đến cán bộ, công chức từ quận, đến phường có liên quan đến quản lý đô thị, đất đai đều được quy định rõ trách nhiệm và kèm theo hình thức xử lý từ cảnh cáo đến buộc thôi việc nếu làm không đúng. Mục tiêu quận hướng tới là trong quý II/2009 phải thực hiện dứt điểm các quyết định thu hồi đất đã ban hành. Trước ngày 30/6/2009, hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý các khu đất bị lấn chiếm. Xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt lưu ý để không có trường hợp nào vi phạm mà không được xử lý dứt điểm.


 



Vũ Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *