Không đưa vấn đề Công đoàn Tập đoàn kinh tế (TĐKT) vào Thông tri hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN – Đó là đề nghị của CĐXDVN, tham gia dự thảo Thông tri hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN. Theo CĐXDVN, việc dự thảo Thông tri quy định về thành lập và chỉ đạo CĐ trong các TĐKT khi hướng dẫn thi hành Điều 28 không chỉ sai về nguyên tắc soạn thảo văn bản hướng dẫn mà còn đặt ra vấn đề là, phải chăng đến nay đã có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn để quy định mô hình tổ chức và hoạt động CĐ TĐKT? Hiện nay, văn bản pháp quy rõ nhất về TĐKT là Nghị định 111/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ và Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN. Căn cứ theo chiến lược phát triển các DN trực thuộc ngành Xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật và trên thực tế thì một số TĐKT đã hình thành, cho thấy trong một TĐKT, các Cty hợp thành có nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, thậm chí không liên quan gì với nhau về ngành nghề. Ví dụ: Có TĐKT mà các Cty hợp thành có các ngành nghề kinh doanh là xây dựng, tư vấn xây dựng, sản xuất kinh doanh VLXD, đầu tư kinh doanh BĐS và KCN; quản lý, khai thác đường bộ và hầm đường bộ, vận tải; sản xuất kinh doanh điện, chế tạo cơ khí, cơ khí lắp máy, may xuất khẩu, chế biến thực phẩm, bao bì; thương mại, du lịch, khách sạn, nhà hàng; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tài chính… Địa bàn đặt trụ sở của các Cty hợp thành TĐKT đóng rải rác khắp cả nước. Việc trong một TĐKT có nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau là bình thường, xét theo góc độ kinh tế, nơi nào có lợi nhuận cao thì cần nhanh chóng đầu tư theo quy luật thị trường. Các Cty hợp thành TĐKT đóng rải rác khắp cả nước cũng là bình thường để tiện cho việc quản lý, kinh doanh nhằm đạt mục đích tối đa hoá lợi nhuận. Song, vấn đề đặt ra là có thành lập CĐ TĐKT không? Nếu thành lập thì phải dựa trên tiêu chí nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của CĐ TĐKT là gì?… Lại là vấn đề của tổ chức CĐ. Theo quy định của Điều lệ, dưới cấp TLĐLĐVN là CĐ ngành TW và LĐLĐ tỉnh thành. Tiêu chí để thành lập CĐ ngành TW là theo ngành nghề; tiêu chí để thành lập LĐLĐ tỉnh thành là theo lãnh thổ của tỉnh thành. Song vừa qua có CĐ TĐKT được thành lập nhưng không hiểu theo tiêu chí nào, không theo lãnh thổ, cũng không theo ngành nghề. Các CĐCS tại các Cty hợp thành TĐKT (chủ yếu là Cty CP) đóng rải rác khắp cả nước, thậm chí có đoàn viên, CNVC-LĐ đang làm việc ở nước ngoài. Lại nữa, trong TĐKT có rất nhiều ngành nghề và có những ngành nghề khác biệt nhau, không liên quan đến nhau. Trong điều kiện như vậy, CĐ TĐKT muốn đến trực tiếp chỉ đạo cơ sở, hoặc muốn tổ chức hội họp với các CĐCS định kỳ sẽ là rất khó khăn về cả thời gian và kinh phí. Ngay cả khi vấn đề thời gian, kinh phí có thể giải quyết được thì cũng khó có một BCH CĐ TĐKT giỏi đủ khả năng chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS hoạt động theo ngành nghề phù hợp với ngành nghề kinh doanh của từng Cty. Với TĐKT của ngành Xây dựng sẽ phải có “siêu” BCH CĐ gồm: CĐ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS Cty xây dựng, tư vấn xây dựng, sản xuất kinh doanh VLXD, đầu tư kinh doanh BĐS và KCN; CĐ GTVT để chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS Cty quản lý, khai thác đường bộ và hầm đường bộ, vận tải; CĐ Công thương để chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS Cty sản xuất kinh doanh điện, sản xuất kinh doanh nhôm sắt thép, chế tạo cơ khí, cơ khí lắp máy, may xuất khẩu, chế biến thực phẩm, bao bì, thương mại, du lịch, khách sạn nhà hàng; CĐ Giáo dục để chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS trường đào tạo nghề; CĐ Ngân hàng để chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS Cty tài chính. Đấy là chưa kể còn những lĩnh vực như xuất khẩu lao động chưa biết thuộc CĐ ngành nghề nào. Hơn nữa, Nghị định 139/2007 quy định “TĐKT không có tư cách pháp nhân” đồng nghĩa với việc TĐKT không có trách nhiệm pháp lý với tất cả công nhân lao động trong TĐKT. Điều đó đặt ra vấn đề CĐ TĐKT – Cty mẹ này – có tư cách đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả CNVC-LĐ trong TĐKT không? Nếu CĐ TĐKT không có tư cách đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả CNVC-LĐ tại các Cty hợp thành TĐKT, nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ hiện nay, thì có nên tồn tại một cấp CĐ như thế hay không? Quan điểm của BCH CĐXDVN là xem xét về vấn đề CĐ TĐKT nên tập trung nghiên cứu kỹ mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các TĐKT, đặc biệt mối quan hệ giữa Cty mẹ với các Cty con hợp thành TĐKT, từ đó xem xét mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cấp CĐ trong TĐKT. Khi có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để thành lập thì Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN sẽ ra văn bản quy định về việc thành lập các CĐ TĐKT. Ngược lại, nếu không đủ cơ sở lý luận và thực tiễn thì cần phải sắp xếp lại những CĐ TĐKT hiện có theo hướng chuyển thành CĐ ngành nghề hoặc giải thể. |