Trang chủ » Toàn cảnh thị trường trái phiếu xanh: Đầu tư xanh – Tương lai sạch

Toàn cảnh thị trường trái phiếu xanh: Đầu tư xanh – Tương lai sạch

Khi thế giới đứng trước ngưỡng cửa khủng hoảng khí hậu, dòng vốn tài chính đang âm thầm dịch chuyển. Trong dòng chảy đó, trái phiếu xanh được xem là một công cụ tài chính chiến lược, kết nối sứ mệnh phát triển bền vững với động lực đầu tư dài hạn. Tại Việt Nam, khi nền kinh tế từng ngày đối mặt với tổn thất do biến đổi khí hậu, sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh là yêu cầu tất yếu để đảm bảo một tương lai tăng trưởng hài hòa giữa tài chính và môi trường.

Trái phiếu xanh là gì?

Trái phiếu xanh (Green bond) là một công cụ tài chính được thiết kế chuyên biệt nhằm huy động vốn cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, đây là loại trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững – từ năng lượng tái tạo, giao thông sạch, xử lý nước thải cho đến thích ứng biến đổi khí hậu.

Về cơ chế hoạt động, trái phiếu xanh không khác biệt nhiều so với trái phiếu thông thường. Nhà đầu tư mua trái phiếu đồng nghĩa với việc cho tổ chức phát hành vay vốn, đổi lại họ nhận lãi suất định kỳ. Tuy nhiên, điểm khác biệt cốt lõi là nguồn vốn thu được phải được sử dụng đúng mục đích – tức là tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.

Với xu hướng tài chính xanh và chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, trái phiếu xanh ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên trong danh mục đầu tư bền vững, đồng thời góp phần hiện thực hóa các cam kết khí hậu toàn cầu.

Trái phiếu xanh là gì
Trái phiếu xanh (Green bond) là một công cụ tài chính được thiết kế chuyên biệt nhằm huy động vốn cho các dự án có tác động tích cực đến môi trường

Các loại trái phiếu xanh

Trái phiếu xanh bao gồm nhiều nhóm khác nhau, mỗi loại hướng đến một mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển bền vững.

Trái phiếu khí hậu là dòng trái phiếu chuyên biệt, tập trung vào các dự án giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như năng lượng sạch, giao thông phát thải thấp hay cơ sở hạ tầng thích ứng với thiên tai. Đây cũng là nhóm có sự chuẩn hóa cao thông qua Khung trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Standard).

Trái phiếu môi trường lại bao phủ các sáng kiến bảo vệ tự nhiên như phục hồi rừng, xử lý rác thải hay bảo tồn nguồn nước – những yếu tố có vai trò sống còn với hệ sinh thái.

Trái phiếu bền vững mở rộng phạm vi sang các mục tiêu xã hội bên cạnh yếu tố môi trường, hỗ trợ các dự án giáo dục, y tế, nhà ở giá rẻ… phù hợp với định hướng ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Ngoài ra, còn có trái phiếu năng lượng tái tạo, tập trung riêng vào các dự án điện mặt trời, điện gió, sinh khối – hạ tầng cốt lõi cho quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Tùy theo chủ thể phát hành, có thể chia thành ba nhóm chính: trái phiếu doanh nghiệp xanh, trái phiếu chính phủ xanhtrái phiếu địa phương xanh, tạo nên mạng lưới tài chính xanh đa tầng và linh hoạt.

Vai trò của trái phiếu xanh

Tác động tích cực đến môi trường
Trái phiếu xanh là một công cụ tài chính thiết yếu nhằm huy động vốn cho các dự án thân thiện với môi trường. Nguồn vốn này thường được phân bổ cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông không phát thải, quản lý chất thải và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua việc tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy công nghệ sạch, trái phiếu xanh góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Lựa chọn đầu tư có trách nhiệm
Với xu hướng đầu tư bền vững ngày càng phổ biến, trái phiếu xanh đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận song hành cùng giá trị xã hội và môi trường. Không chỉ đảm bảo dòng tiền ổn định như trái phiếu truyền thống, trái phiếu xanh còn giúp nhà đầu tư khẳng định vai trò trong chuyển đổi xanh và giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhiều quỹ đầu tư ESG và tổ chức tài chính quốc tế đang ưu tiên loại tài sản này trong danh mục của mình.

Thúc đẩy nền kinh tế xanh
Trái phiếu xanh góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Việc tài trợ cho các dự án xanh không chỉ giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra việc làm xanh, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sống. Đồng thời, sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc hội nhập kinh tế toàn cầu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

vai trò Trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh đang trở thành lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận song hành cùng giá trị xã hội và môi trường

Ngân hàng phát hành trái phiếu xanh

Các tổ chức tài chính trong nước ngày càng quan tâm đến phát hành trái phiếu xanh nhằm huy động vốn cho các dự án phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Dưới đây là một số ngân hàng tiêu biểu:

  • Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Được đánh giá là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc tích hợp các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị (ESG), Vietcombank đã bắt đầu triển khai các chương trình tín dụng xanh và từng bước tham gia thị trường trái phiếu xanh.
  • Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Hợp tác với các tổ chức quốc tế như ADB và JICA, BIDV đã phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
  • Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB): Trong lộ trình chuyển đổi xanh, SHB lên kế hoạch phát hành trái phiếu xanh nhằm hỗ trợ các dự án nông nghiệp bền vững và cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường.
  • Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank): Hướng tới mục tiêu tài chính bền vững, MB đang xây dựng danh mục đầu tư xanh thông qua các sản phẩm tài chính như trái phiếu xanh và tín dụng xanh.
  • Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank): Đã phát hành thành công trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế, tập trung vào lĩnh vực năng lượng mặt trời và nông nghiệp công nghệ cao.
  • Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank): Là ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam ban hành Khung trái phiếu xanh. Được biết, khung trái phiếu này do Hiệu hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) ban hành, tuân thr nguyên tắc Trái phiếu Xanh.

Trái phiếu xanh được phát hành để huy động vốn cho dự án nào?

Trái phiếu xanh được phát hành để huy động vốn cho những dự án có tác động tích cực đến hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Theo quy định tại khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020, các khoản đầu tư đủ điều kiện phát hành trái phiếu xanh phải thuộc một trong những lĩnh vực then chốt sau:

1. Cải thiện chất lượng môi trường sống:
Gồm nâng cấp, mở rộng hệ thống xử lý nước thải, không khí, chất thải rắn; khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và phục hồi các khu vực bị suy thoái sinh thái. Đây là nhóm dự án giúp giảm tải áp lực cho đô thị và khu công nghiệp.

2. Đổi mới công nghệ xanh:
Những dự án thay thế công nghệ lỗi thời bằng công nghệ tiên tiến, ít phát thải, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao hiệu suất sản xuất đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên.

3. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh:
Bao gồm các mô hình tái sử dụng tài nguyên, tái chế chất thải, thiết kế sản phẩm theo vòng đời khép kín và các giải pháp giúp chuyển dịch từ “kinh tế tiêu hao” sang “kinh tế tái tạo”.

4. Ứng phó với biến đổi khí hậu:
Các công trình hạ tầng bền vững, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, và sáng kiến tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo đều nằm trong danh mục tài trợ của trái phiếu xanh.

5. Quản lý tài nguyên hiệu quả:
Các dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, khoáng sản; bảo tồn đa dạng sinh học; và phát triển vốn tự nhiên là trọng tâm của chiến lược đầu tư xanh.

Trái phiếu xanh phát hành cho nguồn vốn nào
Trái phiếu xanh được phát hành để huy động vốn cho những dự án có tác động tích cực đến hệ sinh thái

Thị trường trái phiếu xanh trên thế giới và Việt Nam

Toàn cảnh trái phiếu xanh toàn cầu

Vai trò kiến tạo của thị trường châu Âu

Châu Âu từ lâu đã giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực tài chính bền vững, không chỉ về khối lượng phát hành mà còn trong việc thiết lập hệ sinh thái chuẩn mực cho trái phiếu xanh. Kể từ khi Ngân hàng Thế giới phát hành trái phiếu xanh đầu tiên vào năm 2007, các quốc gia châu Âu đã chủ động chuyển hóa các cam kết khí hậu thành cơ chế tài chính hiệu quả.

Sau Thỏa thuận Paris 2015, nơi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C được xác lập, thị trường tài chính khu vực này nhanh chóng định hình các nguyên tắc, như Bộ tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh (GBP), hệ thống phân loại EU Taxonomy và các quy định minh bạch ESG. Đây là bước đi quan trọng trong việc đảm bảo rằng nguồn vốn huy động được thực sự hướng đến các dự án giảm phát thải và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Châu Âu hiện là khu vực phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng số toàn cầu, với hơn 145 tổ chức phát hành – từ chính phủ, chính quyền địa phương đến các tập đoàn năng lượng, ngân hàng và công ty bất động sản. Trái phiếu được phát hành bằng nhiều loại tiền tệ – chủ yếu là Euro, sau đó là USD và SEK – cho thấy sự linh hoạt và khả năng tiếp cận đa dạng nhà đầu tư trên toàn cầu.

Một đặc điểm nổi bật là 98% số trái phiếu phát hành tại châu Âu đều được đánh giá độc lập, thường là đánh giá từ bên thứ hai, nhằm bảo đảm tính minh bạch và đo lường tác động môi trường. Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và góp phần thiết lập chuẩn mực thị trường quốc tế.

Trái phiếu xanh tại đây không chỉ tập trung vào năng lượng tái tạo – như điện gió, điện mặt trời – mà ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực như giao thông công cộng bền vững, xây dựng công trình carbon thấp, cải tạo hệ thống logistics, thậm chí cả hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quản trị đô thị thông minh.

Những cái tên như EDF (Pháp), Enel (Ý), Engie (Pháp) và Iberdrola (Tây Ban Nha) là ví dụ tiêu biểu về các tập đoàn sử dụng trái phiếu xanh như một công cụ chiến lược trong quá trình dịch chuyển sang năng lượng sạch. Cùng lúc đó, các chính phủ như Pháp, Ba Lan và Bỉ không chỉ phát hành trái phiếu chính phủ xanh quy mô lớn, mà còn tích cực đầu tư vào hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng ít phát thải.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chương trình phục hồi hậu đại dịch NextGenerationEU, châu Âu đặt mục tiêu huy động tới 250 tỷ Euro trái phiếu xanh đến năm 2026 – một tín hiệu mạnh mẽ về tầm nhìn dài hạn gắn tài chính với hành động khí hậu.

Trái phiếu xanh Châu Âu
Châu Âu từ lâu đã giữ vị trí tiên phong trong lĩnh vực tài chính bền vững

Châu Á – Thái Bình Dương: Tốc độ tăng trưởng và sự nổi lên của các thị trường mới nổi

Trong khi châu Âu dẫn đầu về định hình khung pháp lý, thì châu Á lại ghi dấu ấn về tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Từ năm 2016 đến 2023, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phát hành khoảng 190 tỷ USD trái phiếu xanh, chiếm hơn 30% thị phần toàn cầu. Trung Quốc nổi bật với vai trò đầu tàu, khi riêng năm 2023 đã phát hành hơn 85 tỷ USD, vượt qua cả Mỹ, trở thành thị trường quốc gia lớn nhất thế giới.

Thành công của Trung Quốc phần lớn đến từ sự kết nối chặt chẽ giữa chính sách quốc gia và công cụ tài chính. Cam kết đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060 đã mở đường cho sự gia tăng mạnh mẽ các công cụ tài chính khí hậu, đặc biệt là trong ngành điện gió, điện mặt trời và giao thông công cộng. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò trung tâm trong triển khai vốn trái phiếu xanh.

Không chỉ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những quốc gia có đóng góp lớn. Nhật Bản tập trung vào cả trái phiếu xanh và trái phiếu xã hội, hướng đến các mục tiêu kép: môi trường và công bằng xã hội. Trong khi đó, Hàn Quốc chú trọng phát triển báo cáo ESG và đầu tư vào các công nghệ giảm phát thải.

Ấn Độ cũng đang nổi lên mạnh mẽ, với hơn 15 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng carbon thấp. Đầu năm 2024, Ấn Độ phát hành thành công trái phiếu xanh chính phủ đầu tiên, mở đường cho “greenium” – phần lợi tức ưu đãi mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận để hỗ trợ mục tiêu môi trường.

Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á – bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia – đang dần hình thành một hệ sinh thái trái phiếu xanh riêng, nhờ sự linh hoạt về chính sách tiền tệ và định hướng chiến lược rõ ràng. Singapore trở thành quốc gia đầu tiên phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 50 năm, khẳng định tầm nhìn dài hạn về tài chính khí hậu.

Trái phiếu xanh toàn cầu
Thị trường trái phiếu xanh tại khu vực Châu Á cũng có nhiều triển vọng

Thách thức toàn cầu

Dù tăng trưởng ấn tượng, thị trường trái phiếu xanh toàn cầu vẫn đối mặt với những thách thức căn bản.

Thứ nhất, sự thiếu đồng nhất trong các cam kết khí hậu quốc gia (NDCs) khiến khó đánh giá chính xác mức độ đóng góp của trái phiếu xanh vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Nhiều quốc gia vẫn chưa có lộ trình rõ ràng về tài trợ cho NDCs, dẫn đến sự chênh lệch giữa mục tiêu và thực thi.

Thứ hai, không phải tất cả trái phiếu mang nhãn “xanh” đều đảm bảo tác động môi trường thực sự. Một số trái phiếu không tuân thủ Nguyên tắc Trái phiếu Xanh hoặc thiếu đánh giá độc lập, gây lo ngại về “greenwashing” – tức gắn mác xanh để thu hút đầu tư mà không có cam kết cụ thể về chuyển đổi.

Để vượt qua rào cản này, cần thiết lập các khung pháp lý và hệ thống kiểm chứng tác động thống nhất hơn, cũng như tăng cường phối hợp giữa các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư và chính phủ. Việc minh bạch hóa dòng tiền, báo cáo định lượng hiệu quả môi trường và tích hợp ESG vào chiến lược phát hành sẽ là chìa khóa xây dựng niềm tin và mở rộng quy mô đầu tư xanh.

Tình hình thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Thực trạng

Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng cho thị trường trái phiếu xanh từ cuối năm 2015 với sự hỗ trợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Sự phát triển này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi Bộ Tài chính phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh cho chính quyền địa phương vào năm 2016. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Để hỗ trợ sự phát triển này, Bộ Tài chính đã triển khai các quy định giảm phí dịch vụ cho trái phiếu xanh, giúp các tổ chức phát hành và nhà đầu tư giảm bớt gánh nặng chi phí. Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các quyết định và nghị định nhằm tạo dựng khung pháp lý vững chắc cho thị trường này. Những chính sách như Quyết định số 1191/QĐ-TTg (2017) và Quyết định số 1658/QĐ-TTg (2021) đã xác định vai trò quan trọng của trái phiếu xanh trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã đưa ra những quy định chi tiết về trái phiếu doanh nghiệp xanh, làm nền tảng cho các nhà phát hành triển khai các dự án xanh như năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và hạ tầng xanh.

khối lượng phát hành Trái phiếu xanh
Khối lượng trái phiếu xanh phát hành hằng năm

Tầm quan trọng của trái phiếu xanh trong tăng trưởng bền vững

Trái phiếu xanh không chỉ là công cụ tài chính giúp huy động vốn cho các dự án môi trường, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Trái phiếu xanh đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án đầu tư vào bảo vệ môi trường, từ năng lượng tái tạo, thủy lợi, đến các dự án bảo vệ rừng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với sự phát triển mạnh mẽ của trái phiếu xanh, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những thị trường lớn nhất ASEAN, chỉ đứng sau Singapore.

Một cột mốc đáng chú ý là vào đầu năm 2021, BIM Land đã phát hành thành công trái phiếu xanh trị giá 200 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Điều này vừa khẳng định sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, vừa cho thấy sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu xanh đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Khó khăn và thách thức

Mặc dù thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn một số khó khăn đáng chú ý. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp lý. Dù đã có các quy định như Nghị định số 163/2018/NĐ-CPNghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhưng vẫn cần có sự hoàn thiện để tạo ra một khung pháp lý linh hoạt hơn cho việc phân loại và đánh giá các dự án phát hành trái phiếu xanh. Sự thiếu rõ ràng và đồng bộ này có thể làm chậm lại quá trình thẩm định và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Hơn nữa, việc thiếu đội ngũ chuyên gia đủ mạnh trong việc thẩm định rủi ro môi trường và quản lý các dự án xanh theo chuẩn quốc tế là một thách thức lớn. Nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng chưa đủ năng lực để triển khai các công cụ và phương pháp quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, điều này gây cản trở cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu xanh.

Để phát triển bền vững thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ và hoàn thiện khung pháp lý là yếu tố quan trọng. Cần có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp về trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, các chính sách tài chính ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ phí dịch vụ, và tạo ra các cơ chế minh bạch hơn sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường trái phiếu xanh.

Trái phiếu xanh Việt nam
Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng cho thị trường trái phiếu xanh từ cuối năm 2015 với sự hỗ trợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)

Tăng cường chính sách và khung pháp lý để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam, việc hoàn thiện khung pháp lý xây dựng các chính sách hỗ trợ là yếu tố then chốt. Thị trường trái phiếu xanh, như một công cụ tài chính quan trọng để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, cần một nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển lâu dài và hiệu quả.

Một trong những yếu tố quan trọng là nâng cao nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, và các cơ quan quản lý về vai trò và tiềm năng của trái phiếu xanh. Cùng với đó, việc đào tạo và cung cấp thông tin chi tiết về các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh sẽ giúp các tổ chức và doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu phát hành trái phiếu xanh một cách hiệu quả và minh bạch.

Thêm vào đó, chính sách tài chính ưu đãi có thể là động lực mạnh mẽ giúp thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh. Cụ thể, việc giảm thuế đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh hoặc hỗ trợ phí dịch vụ phát hành sẽ giúp giảm bớt chi phí, làm cho trái phiếu xanh trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp. Các cơ chế hỗ trợ khác như cung cấp các khoản vay ưu đãi, hoặc phát hành trái phiếu xanh thông qua các kênh tài chính quốc tế cũng sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường sự đa dạng hóa nguồn vốn và thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.

Cuối cùng, việc tạo ra một cơ chế minh bạch hơn trong việc công bố thông tin và báo cáo về hiệu quả của các dự án sử dụng trái phiếu xanh sẽ không chỉ củng cố niềm tin của nhà đầu tư mà còn nâng cao sự cạnh tranh cho thị trường trái phiếu xanh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trái phiếu xanh không còn là lựa chọn của một nhóm nhà đầu tư tiên phong, mà đang dần trở thành chuẩn mực mới của nền tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam quyết liệt theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, việc phát triển thị trường trái phiếu xanh sẽ là chìa khóa then chốt để hiện thực hóa cam kết. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý cùng hành động, chung tay kiến tạo một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.